Đấu giá để tránh thất thoát tài nguyên

(BĐT) - Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, thì ngành công nghiệp khai khoáng phải tự chuyển mình trong việc thúc đẩy quản trị hiệu quả và hướng tới phát triển toàn diện.
Khi cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong Luật Khoáng sản năm 2010 được thực thi, kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong việc giảm thiểu cơ chế xin – cho. Ảnh: Việt Hưng
Khi cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong Luật Khoáng sản năm 2010 được thực thi, kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong việc giảm thiểu cơ chế xin – cho. Ảnh: Việt Hưng

Quản lý phân tán, thất thu ngân sách

Kết quả đánh giá về Chỉ số quản trị tài nguyên năm 2017 (RGI 2017) được khảo sát tại 89 quốc gia trên thế giới do Viện Quản trị tài nguyên công bố cho thấy, có 66 quốc gia được đánh giá là hạn chế, yếu kém hoặc thất bại trong quản trị ngành công nghiệp khai thác. Trong đó, quản trị tài nguyên yếu kém cùng với tham nhũng có hệ thống là những thách thức lớn hiện đang tồn tại.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng về khoáng sản với sự đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước của các ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, RGI 2017 nhận xét, ngành dầu khí và khí thiên nhiên tại Việt Nam chỉ xếp hạng 48/100 điểm. Kết quả đánh giá thể hiện hoạt động yếu, đặc biệt là trong hệ thống thu thuế, quản lý nguồn thu, ngân sách quốc gia, việc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia độc lập nhận xét, việc quản lý khai khoáng tại Việt Nam vẫn còn khá phân tán khi quản lý khoáng sản được giao cho ngành tài nguyên và môi trường nhưng việc khai thác các khoáng sản liên quan đến lĩnh vực công nghiệp lại thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương; các mỏ khoáng sản lại được phân cấp giữa mỏ lớn sẽ do các bộ cấp phép, mỏ nhỏ giao cho các địa phương cấp phép… Việc này dẫn đến các mỏ khoáng sản không được tập trung khai thác, nên việc thống kê và quản lý nguồn thu cho ngân sách vẫn còn nhiều lỗ hổng, thiếu sót.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Minh Đức thuộc  Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, các DN tư nhân dường như chưa mặn mà với việc đầu tư vốn và công nghệ nhiều cho ngành công nghiệp khai khoáng. Câu trả lời mà VCCI thu thập được qua khảo sát cho thấy lý do là các DN “sợ” sự rủi ro từ sự thay đổi của chính sách pháp luật, rủi ro trong thực thi pháp luật khiến họ e ngại đầu tư. “Bởi, nếu DN đầu tư lớn vào khai thác, sau này nếu chính sách thuế, phí tăng thì phương án tài chính của họ bị phá vỡ; ngoài ra, với thực trạng khai báo trữ lượng khai thác không đầy đủ để có lợi nhuận thì các DN rất lo bị cơ quan chức năng phát hiện, dẫn đến việc thu hồi mỏ nên dẫn tới tâm lý e ngại đầu tư” – ông Đức nêu thực trạng. 

Đấu giá giúp công khai, minh bạch

Các DN tư nhân dường như chưa mặn mà với việc đầu tư vốn và công nghệ nhiều cho ngành công nghiệp khai khoáng. Câu trả lời mà VCCI thu thập được qua khảo sát cho thấy lý do là các DN “sợ” sự rủi ro từ sự thay đổi chính sách.
Tại Hội thảo Thúc đẩy quản trị hiệu quả ngành công nghiệp khai thác hướng đến sự phát triển toàn diện của Việt Nam, các chuyên gia còn cho rằng, các chính sách về lĩnh vực khoáng sản vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định trong văn bản và quá trình thực thi. Trên thực tế, chính sách về khai khoáng có thể đủ về số lượng nhưng chất lượng vẫn còn kém, nhiều chính sách sau nhiều năm vẫn chưa được thực thi.

TS. Phạm Quang Tú, Chuyên gia của Oxfam Việt Nam nêu vấn đề, Luật Khoáng sản năm 2010 được ra đời với kỳ vọng đột phá trong việc giảm thiểu cơ chế xin - cho thông qua cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Song trên thực tế, phần lớn việc khai thác các mỏ khoáng sản lại chưa qua đấu giá. Còn đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, mặc dù có thực hiện nhưng lại không thực hiện thăm dò để xem thử trữ lượng của mỏ khoáng sản là bao nhiêu để đưa ra giá khởi điểm khi đấu giá, mà chỉ thực hiện đấu giá quyền khai thác, sau đó Nhà nước lại chạy theo DN xem năm nay DN này khai thác bao nhiêu, trên cơ sở đó là quản lý theo cách đánh thuế phần trăm. “Cách quản lý theo kiểu không áp dụng đấu giá như vậy đã xuất hiện nhiều kẽ hở trong quản lý khai thác tài nguyên” – ông Tú nhấn mạnh.

Ông Đức nêu thực trạng, theo quy trình cấp phép được quy định tại Luật Khoáng sản 2010, cơ quan nhà nước đi điều tra địa chất cơ bản, sau đó đưa các mỏ vào quy hoạch, đăng công khai các quy hoạch này để các DN nộp hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản, sau đó sẽ tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nhưng trên thực tế, sau khi đi điều tra địa chất ban đầu, các mỏ khoáng sản này lại chưa được đưa ngay vào quy hoạch, DN buộc phải tiếp cận với những người có thông tin về các mỏ khoáng sản, rồi tiến hành “vận động” cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi quy hoạch để bổ sung mỏ vào quy hoạch. Và để chắc chắn, thì phải đưa những mỏ khoáng sản này vào danh mục khu vực không đấu giá, sau đó DN sẽ nộp sớm hồ sơ xin cấp phép quyền khai thác khoáng sản và thời hạn nộp hồ sơ chỉ có 30 ngày sẽ khiến các DN không có thông tin thì sẽ không chuẩn bị kịp hồ sơ. Thủ tục vận động 100% là theo cơ chế xin - cho, và đây là kẽ hở lớn cho các tiêu cực.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần có các giải pháp liên quan tới việc cấp phép khai thác khoáng sản, tiến hành đấu giá khoáng sản… cùng với nhiều giải pháp trong giai đoạn đầu tiên của quá trình cấp phép sẽ giúp giảm tiêu cực, thất thoát trong công nghiệp khai khoáng.

Thứ nữa, theo ông Đức, cũng cần có cơ chế giám sát sản lượng khai thác của DN. Có thể tiến hành dưới nhiều phương thức, kể cả việc kiểm soát từ bên mua. Khi đó, có cơ chế buộc bên mua phải khai báo, xuất trình nguồn gốc thu mua khoáng sản, có xuất xứ rõ ràng sẽ giúp các DN khai thác khoáng sản khó có thể bán chui ra ngoài. Đây là những giải pháp giúp thắt chặt thêm, tránh thất thoát tài sản, khoảng sản.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư