Đặt niềm tin vào thế hệ nhân tài trẻ

(BĐT) - Tài năng, tâm huyết, dám mơ ước lớn và tự tin hành động - đây là điểm chung của một thế hệ nhân tài trẻ người Việt đang làm việc, cống hiến mỗi ngày cho sự phát triển của công nghệ, giáo dục, kinh doanh… trên toàn cầu, đồng thời ôm ấp khát vọng đóng góp cho quê hương.
Đặt niềm tin vào thế hệ nhân tài trẻ

Bởi vậy, không có gì bất ngờ khi Chương trình Kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì) được tổ chức, những tài năng trẻ người Việt này đã nhanh chóng tụ hội, tạo thêm niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn, bắt nguồn từ hạt mầm hôm nay gieo trồng.

Đặt niềm tin vào thế hệ nhân tài trẻ ảnh 1
Kết hợp trí tuệ nhân tạo giải mã gene, tập trung chữa bệnh cho người châu Á

Ông Cao Anh Tuấn - Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Gene Friend Way

Trước khi trở thành người đồng sáng lập và là CEO của Gene Friend Way, Cao Anh Tuấn, Tiến sĩ về Khoa học Máy tính của Đại học Cornell đã có quãng thời gian 3 năm làm việc chính thức cho Google, chưa tính đến thời gian cộng tác trước đó. Tuy nhiên, Anh Tuấn đã quyết định rời Google để khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tham vọng của Tuấn và cộng sự là giải mã bản đồ gene cho người Việt nói riêng, người châu Á nói chung để hiểu rõ hơn về thông tin di truyền và khả năng gặp phải những bệnh lý như tai biến mạch máu não, tiểu đường hay ung thư.

Hiện nay, Gene Friend Way cung cấp 3 kết quả phân tích về gene để đáp ứng 3 nhu cầu cơ bản: hiểu cơ thể để có chế độ luyện tập thể thao tốt hơn, tìm xem cơ thể thiếu dưỡng chất nào để lập thực đơn tối ưu và cuối cùng là khảo nghiệm khả năng mắc căn bệnh nghiêm trọng như ung thư.

Việc giải mã bộ gene của con người ngày càng tiến bộ, những mô hình như Tuấn đang làm trên thế giới không phải là cá biệt. Tuy nhiên, theo Tuấn, những nghiên cứu trên thế giới đa phần đều được thực hiện dựa trên các bộ mẫu là người da trắng. “Chúng ta hay nói về nhập khẩu công nghệ, nhưng về vấn đề gene thì không thể mang về được. Người châu Á cần bộ giải mã gene riêng”, Cao Anh Tuấn khẳng định.

Bên cạnh đó, vị CEO trẻ này cũng nêu ra một hiện tượng đáng lưu ý, đó là các “ông lớn” khác chậm cập nhật công nghệ phân tích dữ liệu để đưa ngay những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất vào công nghệ y sinh. Kinh nghiệm từ quãng thời gian làm việc cho Google đã giúp Tuấn thay đổi vấn đề này. Việc vận dụng trí tuệ nhân tạo giúp đội ngũ của Gene Friend Way giảm thiểu thời gian nghiên cứu đáng kể. “Trí tuệ nhân tạo giúp giảm thiểu thời gian nghiên cứu. Sản phẩm trước đây xây dựng mất 2 năm, nay có thể rút xuống còn 6 tháng”, Anh Tuấn ví dụ.

Đặt niềm tin vào thế hệ nhân tài trẻ ảnh 2
Mọi người đều nên có cơ hội bình đẳng để phát huy tối đa tiềm năng

Bà Đinh Hồng Vân Vũ - Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Tập đoàn ELSA

Hồng Vũ thuộc thế hệ 8x, đã giành học bổng MBA tại Stanford, một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Theo học cao học chuyên ngành quản trị kinh doanh, nhưng những trăn trở về nền giáo dục nước nhà đã thôi thúc Vũ học thêm tấm bằng Thạc sĩ Giáo dục.

Để theo đuổi đam mê, Hồng Vũ từng hai lần từ bỏ vị trí đáng mơ ước ở các tập đoàn hàng đầu thế giới. Ba năm tu nghiệp ở Đan Mạch, Vũ là người châu Á đầu tiên nắm giữ vị trí trợ lý Tổng giám đốc của Maersk, tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh trải khắp 136 quốc gia với 89.000 nhân viên.

Sau đó, Vũ lại bỏ ngang vị trí trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company, một trong bốn tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ. Không chút tiếc nuối, Vũ đã kể về những gì thôi thúc cô hiện thực hóa những giấc mơ lớn của mình.

“Bạn không nhận ra phát âm quan trọng đến nhường nào cho đến khi sống và làm việc ở nước ngoài”, Vũ nói và giải thích, cô đã chứng kiến rất nhiều du học sinh giỏi không thể leo lên vị trí lãnh đạo trong các tập đoàn chỉ vì cách phát âm không giống người bản xứ. Rắc rối tưởng như rất nhỏ đó lại là cản trở lớn trong ngoại giao và thăng tiến, đặc biệt trong những nghề đòi hỏi kỹ năng giao tiếp cao như tư vấn hay luật sư.

Xuất phát từ tâm huyết này, năm 2013, Vũ mời các chuyên gia dạy nói để xây dựng nội dung cho Elsa. Mỗi giờ dạy của họ trị giá 200 USD, với lượng học viên rất giới hạn, còn ứng dụng Elsa (khi hoàn tất) sẽ có giá tối ưu, nên phù hợp với nhiều người ở mọi quốc gia.

Về phần công nghệ, Elsa được lập trình ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để mô phỏng cách dạy của các chuyên gia dạy nói hàng đầu nước Mỹ. Elsa có đội ngũ kỹ sư và chuyên gia để thiết kế công nghệ nhận diện giọng nói hiện đại nhất ở Mỹ.

Ngoài vai trò nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Elsa Speak, Vũ còn là nhà sáng lập và Chủ tịch của Quỹ VietSeeds, nơi cung cấp học bổng, chắp cánh cho trẻ em nghèo Việt Nam được cắp sách tới trường, hướng dẫn và đào tạo những bạn trẻ kém may mắn để các em có thể theo đuổi giấc mơ thay đổi cuộc đời. Vũ thành lập VietSeeds từ năm học cuối tại Đại học Stanford.

Quỹ học bổng VietSeeds bắt đầu từ một ý tưởng rằng mọi người đều nên có cơ hội bình đẳng để phát huy tối đa tiềm năng của mình. Mỗi kỳ tuyển sinh đại học, báo chí lại có nhiều bài viết về những bạn học sinh đỗ đại học nhưng gia cảnh quá khó khăn, không có cơ hội để theo đuổi ước mơ.

Năm đầu, Vũ chọn 10 bạn đậu đại học trong hoàn cảnh như vậy, sau đó cô tìm kiếm 10 nhà tài trợ và kết nối hai nhóm lại với nhau. Khoản học bổng 1.000 USD/năm/sinh viên đã giúp những sinh viên nghèo yên tâm học tập. Đến nay, VietSeeds đã qua 7 năm hoạt động, số sinh viên được nhận học bổng mỗi năm đã lên đến 200 em.

Đặt niềm tin vào thế hệ nhân tài trẻ ảnh 3
“Phải dành 100% thời gian, 200% sức lực để khởi nghiệp”

Bà Võ Cẩm Quy, Đồng sáng lập và Giám đốc dữ liệu của HIT Foundation, Tư vấn AI tại LAPO Blockchain, Thành viên Ban giám đốc Mạng lưới học thuật Việt Nam quốc tế, Người sáng lập quỹ từ thiện Givehimthelight

“Sau 15 năm làm việc cho ước mơ của ai khác, đã đến lúc tôi cày cho ước mơ của mình”, TS. Võ Cẩm Quy chia sẻ về quyết định rời giảng đường để khởi nghiệp tại Đức và Thụy Sĩ.

Xuất thân từ ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, sau khi tốt nghiệp, TS. Võ Cẩm Quy ở lại trường công tác và giữ chức vụ phó trưởng khoa rồi đi học tiến sĩ và làm việc tại Ý, Canada, Đức.

Sau 15 năm cần mẫn trong môi trường học thuật, cô quyết định bỏ việc đi học MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) và khởi nghiệp. Cô thành lập công ty chuyên thực hiện dịch vụ tối ưu hóa hoạt tính enzym ở Đức. Sau đó phát triển công ty thứ hai tại Thụy Sĩ về truy xuất dữ liệu y tế với công nghệ blockchain.

Hiện cô là Giám đốc phát triển kinh doanh và dữ liệu của HIT Foundation (nền tảng truy xuất thông tin sức khỏe trên thị trường trực tuyến dựa vào công nghệ blockchain) tại Thụy Sĩ. Mới đây, cô đã trở về TP.HCM, kiên định bước tiếp con đường biến ý tưởng khoa học thành mô hình kinh doanh có lợi nhuận.

Từ một nhà khoa học tiến tới doanh nhân, những khó khăn trong quá trình chuyển đổi là không tránh khỏi. Chia sẻ về vấn đề này, Võ Cẩm Quy cho biết: “Lần nào xem qua ý tưởng của nhà khoa học nào đó, tôi cũng phải ồ lên vì quá hay. Nhưng khi tôi hỏi sẽ ứng dụng cụ thể cho ai, ở đâu, đa số thường kết luận chung chung mà không chỉ ra được công ty dược nào, bệnh viện nào đang cần và đã chấp nhận sử dụng sản phẩm nếu được tung ra thị trường. Nhà khoa học thường nghĩ cho ý tưởng của mình mà quên nhìn từ góc độ khách hàng, làm vì khách hàng. Họ thiếu tầm nhìn tổng quan về sự dịch chuyển của nền kinh tế”.

Bên cạnh đó, một rào cản khác mà các doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp phải là quỹ đầu tư. Với người làm nghiên cứu, thử thách này càng khó khăn hơn bởi họ thường không giỏi đi xin tiền, đi bán hàng. “Startup không phải con đường hoa hồng. Phải dành 100% thời gian, 200% sức lực, trí lực cho công ty”, cô cho biết.

Đặt niềm tin vào thế hệ nhân tài trẻ ảnh 4
Luôn mong muốn trở về làm điều gì đó cho đất nước

Ông Nghiêm Xuân Huy - Sáng lập, Giám đốc điều hành Finhay

Nghiêm Xuân Huy từng học tập và làm việc tại Australia 9 năm. Năm 2013, anh tốt nghiệp ngành thương mại của Đại học Sydney tại Australia và làm chuyên viên tư vấn tài chính cho Tập đoàn bảo hiểm AMP Australia.

Với mong muốn giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ kết nối được với các quỹ đầu tư tài chính, năm 2017, Huy quyết định về nước  khởi nghiệp lần thứ ba với Finhay - dự án về nền tảng kết nối giới đầu tư nhỏ lẻ. Điểm nổi bật của Finhay là áp dụng công nghệ để xác định rủi ro của từng cá nhân, rồi đưa ra đề xuất cấu trúc phân bổ quỹ tài chính (quỹ mở) cho phù hợp. Finhay chú trọng tự động hóa, cho phép khách hàng theo dõi và quản lý các khoản đầu tư của họ. Hiện tại, trong hệ thống Finhay đã có 10 quỹ tham gia như: VFB, TCBF, VF1, BCF, SCA… và hơn 6.000 tài khoản cá nhân đăng ký.

Chia sẻ về quyết định về nước khởi nghiệp, Nghiêm Xuân Huy cho biết: “Trước đây, tôi từng đọc một bài báo nói về tình trạng “chảy máu chất xám” khi những bạn trẻ đạt giải cao nhất tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được nhận học bổng sang Australia học tập, sau đó ở lại làm việc và định cư, chỉ có 1 người về nước. Nhưng tôi nghĩ, tình trạng đó chỉ là một phần trong cộng đồng du học sinh Việt Nam. Tôi biết rất nhiều người sau thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài vẫn quay trở về đóng góp cho Tổ quốc. Bản thân tôi cũng luôn mong muốn trở về, làm điều gì đó để đóng góp cho đất nước.

Năm 2016, tôi có cơ hội tiếp cận với sản phẩm công nghệ tài chính (fintech) Stockspot và Acorns tại Australia. Tôi chia sẻ với bạn bè ở Việt Nam và nhận thấy, trong nước chưa có sản phẩm tương tự. Vì vậy, tôi quyết định tìm hiểu và nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.

Công ty Finhay ra đời vào tháng 3/2017 và chính thức hoạt động từ tháng 6/2017. Thời gian đầu mới thành lập Công ty, tôi di chuyển qua lại giữa Australia và Việt Nam, tới tháng 10/2017, tôi quyết định về hẳn để tập trung hoàn toàn cho Finhay”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư