Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực đấu thầu là rất lớn và là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới. Ảnh: Lê Tiên |
“Muốn thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng” và “đào tạo về đấu thầu qua mạng chính là đào tạo cho tương lai” - ông Lê Văn Tăng, Trưởng khoa danh dự Khoa Đấu thầu thuộc Học viện Chính sách và Phát triển, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT khẳng định điều này trong cuộc trò chuyện với Báo Đấu thầu nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018.
Pháp luật khá hoàn thiện, nhưng thực thi chưa tốt
Gắn bó với công tác đấu thầu trong gần 25 năm qua, ông nhận định gì về thực tiễn hoạt động đấu thầu ở nước ta hiện nay?
Ở Việt Nam, quy định pháp luật về đấu thầu khá tốt nhưng vế thứ 2 là thực thi thì lại chưa đạt yêu cầu. Lý do chính là con người.
Trong 5 năm gần đây (2013 - 2018), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đã được hoàn thiện khá tốt như Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014-NĐ-CP, Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Nghị định 30/2015/NĐ-CP, thậm chí Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư cũng có các chế tài liên quan đến đấu thầu. Bộ luật Dân sự cũng quy định một số nội dung liên quan đến đấu thầu. Bộ luật Hình sự có hẳn một điều quy định về chế tài xử lý vi phạm hình sự trong đấu thầu. Và có khoảng 15 thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật về đấu thầu. Như vậy, hệ thống pháp luật về đấu thầu đã được nâng lên một bước khá đồng bộ.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì quy định về đấu thầu của Việt Nam đã đạt và tiệm cận thông lệ tốt của quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, quy định pháp luật thì khá tốt, nhưng đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống tốt hay không thì lại là câu chuyện khác. Đó là câu chuyện thực thi pháp luật. Việc soạn ra văn bản là một nhóm người nhưng thực thi thì cả nước, hàng triệu người. Và nếu hàng triệu người đó không được trang bị kiến thức và cập nhật quy định pháp luật thì việc thực hiện không bảo đảm.
Là người đi đầu trong đào tạo nâng cao và chuyên sâu về đấu thầu, ông có chia sẻ gì về công tác đào tạo như một giải pháp để cải thiện tình trạng thực thi chính sách đấu thầu nêu trên?
Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực đấu thầu là rất lớn và là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới. Trong đào tạo về đấu thầu có thể chia làm 3 mảng.
Thứ nhất là đào tạo kiến thức cơ bản. Mảng này chúng ta đã thực hiện suốt 20 năm nay, từ ngày Luật Đấu thầu 2005 ra đời càng được đào tạo nhiều hơn, nên ở một góc độ nào đó mảng này tạm ổn, mặc dù chất lượng một số lớp đào tạo vẫn chưa đạt yêu cầu.
Mảng thứ hai là đào tạo cập nhật, nâng cao, chuyên sâu, chuyên đề về đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư PPP thì còn nhiều việc phải làm. Qua đợt thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề, có những người đã làm 10 -15 năm trong nghề nhưng khi thi nghiêm túc chỉ 45-60% đạt. Những người làm nghề tư vấn đấu thầu phải có kiến thức chuyên sâu, phải cập nhật, do đó còn phải đào tạo nhiều hơn nữa. Thực tế, giảng viên để giảng về mảng này không nhiều như giảng về đấu thầu cơ bản. Ở mảng này đòi hỏi phải biết xử lý tình huống, vận dụng quy định và phải nắm được quy định mới, tư duy mới khác với cái cũ.
Mảng thứ ba là đấu thầu chuyên nghiệp và đấu thầu qua mạng (ĐTQM). Trong thời gian tới, Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), đơn cử như FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương … đều có quy định về đấu thầu. Như vậy, các chủ đầu tư và nhà thầu trong nước nắm vững pháp luật đấu thầu Việt Nam chưa đủ, mà phải vươn lên nắm quy định đấu thầu của các hiệp định và quy định của các nước thành viên của hiệp định. Và xu thế ĐTQM là tất yếu và cấp bách. Do đó, phải đẩy mạnh đào tạo về ĐTQM.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo ở mảng thứ ba, cần có cán bộ làm đấu thầu chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, nhất là về ĐTQM. Đáp ứng nhu cầu này, Bộ KH&ĐT đã giao Học viện Chính sách và Phát triển thành lập Khoa Đấu thầu để đào tạo chuyên ngành về đấu thầu. Trong năm 2018 này, sinh viên khóa đầu tiên của Khoa sẽ tốt nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) đang chuyển giao để Khoa Đấu thầu đào tạo, hướng dẫn quy định đấu thầu mới của WB cho các ban quản lý dự án sử dụng vốn WB.
Thực tiễn tham gia đào tạo năm 2016 - 2017 cho thấy nhu cầu đào tạo lại (cập nhật kiến thức) cũng như đào tạo nâng cao, chuyên đề, chuyên sâu, đào tạo về đầu tư theo hình thức PPP hoặc quy định đấu thầu của WB, quy định về đấu thầu của các FTA ngày càng tăng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, có 2 vấn đề cần lưu ý. Một là phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cần giảng viên có bề dày kinh nghiệm và chuyên môn sâu về đấu thầu. Đặc biệt là yêu cầu giảng viên phải hướng dẫn xử lý được tình huống thực tiễn. Bên cạnh quy định về đấu thầu, giảng viên còn phải nắm quy định về thương mại, xây dựng, thuế… và các quy định liên quan của quốc tế.
Nhu cầu về đào tạo rất nhiều. Đặc biệt, theo yêu cầu của Thủ tướng thì ĐTQM trong năm 2018 là cực kỳ cấp bách. Có một thực tế là thường những người lớn tuổi ngại áp dụng đấu thầu qua mạng vì quen cách làm cũ. Vì vậy, phải hướng tới cán bộ trẻ, cán bộ nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ thông tin, không ngại thay đổi và mong muốn đấu thầu công khai minh bạch.
Đào tạo cho thế hệ trẻ vì tương lai của họ, không vì quá khứ của chúng ta, đào tạo về ĐTQM chính là đào tạo cho tương lai.
Công tác đào tạo về ĐTQM thời gian qua đã có bước chuyển mới nhờ sự ra đời của Trung tâm ĐTQM quốc gia. Trung tâm này ngoài chức năng vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn có chức năng đào tạo về ĐTQM.
“Muốn thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng”
Có nhiều người cho rằng xu thế tất yếu trong thời gian tới là đẩy mạnh ĐTQM, là một trong những người đầu tiên xây dựng và thực hiện chủ trương thí điểm ĐTQM, ông nói gì về xu thế này?
Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, do vậy ĐTQM là một biện pháp để nâng cao tính minh bạch, công khai, đồng thời tăng năng suất, tiết kiệm chi phí.
Đặc biệt, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 của ngành KH&ĐT diễn ra đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu dự án theo hướng công khai, minh bạch, không để kéo dài tình trạng có “quân xanh - quân đỏ” trong đấu thầu dù bất cứ cấp nào và xử lý nghiêm các vi phạm.
Muốn thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng, phải đẩy mạnh ĐTQM và thực hiện tốt lộ trình ĐTQM theo Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016 - 2025.