Đà Nẵng: Chờ “giải nén” nguồn lực đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quỹ đất thu hút đầu tư dành cho các dự án quy mô lớn của Đà Nẵng đang dần cạn trong khi nhiều khu đất vị trí “vàng” vẫn đang “lơ lửng án treo”. Với sự kiên trì chủ động của Thành phố và được Trung ương hỗ trợ, những vướng mắc về sai phạm trong quản lý đất đai đang dần được tháo gỡ để khai phóng nguồn lực đất đai.
Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước 181 ha đang chờ được tháo gỡ vướng mắc để kêu gọi đầu tư. Ảnh: Hà Minh
Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước 181 ha đang chờ được tháo gỡ vướng mắc để kêu gọi đầu tư. Ảnh: Hà Minh

Tổng số tiền sai phạm 5.434 tỷ đồng

Đà Nẵng đang phải thực hiện 4 kết luận của Thanh tra Chính phủ về đất đai, tài nguyên, rừng, các khu du lịch và 3 bản án của tòa các cấp đã tuyên về những sai phạm trong quản lý đất đai thời gian qua.

Theo kết luận thanh tra, kiểm tra 46/1.061 công trình dự án cho thấy, UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho các ban quản lý dự án và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, vi phạm quy định. Trong đó có khu đất chuyển nhượng cho Công ty TNHH Phúc Thiên Long để xây dựng khu dịch vụ thương mại du lịch gây thất thu ngân sách 120,172 tỷ đồng; khu đất A2, A3 (diện tích 34.306 m2) thuộc khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc qua nhiều lần chuyển nhượng, các bên đã thu được khoản chênh lệch so với giá chuyển nhượng của Thành phố là trên 520 tỷ đồng; khu đất A4, A5 (khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc) cũng qua nhiều lần chuyển nhượng đã có mức chênh lệch so với giá của Thành phố xác định năm 2007 là 220,680 tỷ đồng; khu đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty Tân Cường Thành tính giá thấp hơn giá Thành phố quy định là 67,323 tỷ đồng; khu đất 29 ha thuộc Dự án Sân golf Đa Phước đươc giao thấp hơn giá Thành phố quy định, làm lợi cho Công ty CP 79 là 570,826 tỷ đồng.

Riêng đối với Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, diện tích 181 ha, UBND TP. Đà Nẵng ký thỏa thuận nguyên tắc năm 2006 với Công ty TNHH Daewoo Cantavil có một số nội dung không đúng quy định của pháp luật: xác định tiền thuê đất và mặt nước (dự án 181 ha chỉ phải nộp 10 triệu USD trong 50 năm cho 145 ha đất) không có cơ sở, không bị điều chỉnh trong suốt đời dự án. Từ đó đến nay, dự án này không diễn ra các hoạt động xây dựng, gây lãng phí tài nguyên.

Từ những sai phạm qua các kết luận thanh tra, số tiền sai phạm trong quản lý đất đai tại Đà Nẵng lên đến 3.434 tỷ đồng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật thu lợi số tiền lớn, gây thất thu ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.

Nỗ lực “giải nén”

Dù đã tích cực tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, dự án liên quan đến các bản án, kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng Đà Nẵng mới tháo gỡ được 4 dự án: Khu biệt thự và khách sạn biển Đông Phương, Khu số 4 mở rộng - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn, Khu du lịch ven sông Hàn, Olalani Riverside Towers.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng, những dự án còn lại đang có cơ hội được “giải nén” khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 về Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố", trong đó có Đà Nẵng. Kết luận nêu rõ Đà Nẵng có 10 nội dung khó khăn, vướng mắc, trong đó 4 nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội; 1 nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 5 nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương. Đà Nẵng đang hoàn thiện đề án kế hoạch triển khai trình Chính phủ phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo về 5 nội dung thuộc thẩm quyền phía địa phương.

“Trong lúc chờ đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án, Sở TN&MT đề xuất những giải pháp công việc cần thực hiện song song theo 5 nội dung thuộc thẩm quyền của Thành phố”, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết. 5 nội dung đó là: truy thu nghĩa vụ tài chính đối với nhà đầu tư sơ cấp về ngân sách nhà nước đối với những khoản thất thu được nêu trong các kết luận thanh tra trước đây; xử lý thu hồi các trường hợp không đưa đất vào sử dụng quá 12 tháng và chậm đưa đất vào sử dụng trong quá trình gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo Luật Đất đai; xác định lại giá thu tiền sử dụng đất đối với 15 cơ sở nhà đất công sản (trước đây không đấu giá - PV); thực hiện quy trình thu hồi dự án 181 ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước...

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhận định: “Chỉ có tháo gỡ vướng mắc về đất đai thì Thành phố mới khơi thông được tất cả nguồn lực từ trong dân đến doanh nghiệp”. Tại buổi làm việc mới đây với Đà Nẵng về tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan phân loại, lập danh mục nhóm vướng mắc giải quyết sau khi những văn bản, quy định mới về pháp luật đất đai có hiệu lực; nhóm vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương; nhóm vướng mắc thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương; nhóm vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư