Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, dọc - ngang thông suốt, liên hoàn sẽ tạo động lực mới, nâng tầm sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa |
Mở hành lang Tây Bắc - Đông Nam
Trong thời gian ngắn vừa qua, với sự quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, một khối lượng công việc chuẩn bị rất lớn được các bộ, ngành, địa phương hoàn thành để 2 cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau được khởi công xây dựng. Với thời gian xây dựng 3 năm, khi hoàn thành 2 dự án này sẽ thông tuyến cao tốc từ Bắc chí Nam cùng các gạch nối cao tốc: TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hình thành nên trục cao tốc xương sống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, tại vùng Tây Nam Bộ, 2 trục dọc khác đã và đang dần hoàn thiện. Đó là trục Tây Bắc với 2 đoạn tuyến đã hình thành gồm Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; trục Đông Nam với các tuyến quốc lộ 50, 60, 1A (đoạn Sóc Trăng - Cà Mau), 91B (hành lang Nam sông Hậu). Các trục dọc đang giúp tăng kết nối không gian liên kết vùng, kéo vùng Cửu Long gần với đầu tàu Đông Nam Bộ và cả nước.
Trong khi các trục dọc đã dần định hình và thông suốt, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu những trục liên kết ngang với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao. Vì vậy, không gian kinh tế bị chia cắt khiến tiềm năng của vùng đất trù phú này chưa thể khai phóng để phát triển bứt phá. Việc hình thành 2 trục liên kết ngang là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu với tổng mức đầu tư hơn 50.577 tỷ đồng thực sự tạo nên mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, các tuyến đường bộ có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, dọc - ngang thông suốt, liên hoàn sẽ tạo động lực mới, nâng tầm sự phát triển của vùng đất “Chín Rồng”.
Đặc biệt, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, lần đầu tiên Trung ương phân cấp cho địa phương làm đơn vị chủ quản. Ngay khi nhận nhiệm vụ thực hiện Dự án với quy mô lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu tiến độ triển khai gấp rút, các địa phương Tây Nam Bộ đã chủ động rà soát và xác định rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối diện. Song với quyết tâm cao, nỗ lực lớn cùng sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương đã từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư, tạo tiền đề cho Dự án khởi công sớm hơn mốc thời gian đã định.
Sự kiện khai mở cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sau thời gian chuẩn bị gấp rút - 1 năm - từ chủ trương tới hiện thực hóa cho thấy tư duy mới, cách làm mới, cộng với quyết tâm mãnh liệt, tinh thần trách nhiệm cao nhất, cả hệ thống chính trị vào guồng với khí thế rất khẩn trương, góp phần khai phóng nguồn lực, cùng cả nước từng bước hiện thực hóa khát vọng 5.000 km cao tốc vào năm 2030.
Hệ thống cao tốc được hoàn thiện sẽ đưa nông sản miền Tây Nam Bộ nhanh chóng đến với người tiêu dùng |
Vươn tới thịnh vượng
Trong những ngày chuẩn bị cho công tác khởi công, phóng viên Báo Đấu thầu có dịp gặp gỡ, cảm nhận những nét rạng ngời trên khuôn mặt nhiều người dân, doanh nghiệp tại vùng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua và ghi lại xúc cảm, ước vọng về một tương lai tươi sáng, “đại lộ, đại phú”, cải thiện sinh kế người dân vùng Cửu Long.
Ông Lục Văn Út Cực (ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, cách đây 1 năm khi nghe tin tuyến cao tốc mở ra gần nhà, ông quyết định đưa vợ, con hồi hương. Với vốn liếng tích cóp sau hàng chục năm làm việc tại các công ty gỗ ở TP.HCM và Bình Dương, ông về mở quán ăn ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Ký ức người ly hương tìm kế sinh nhai về hình ảnh ngăn sông, cách phà xưa dần nhạt nhòa khi các tuyến đường, cây cầu mới được Nhà nước đầu tư xây dựng. “Có cao tốc, các khu công nghiệp mở ra, cảng Trần Đề được xây dựng, công việc nhiều và thu nhập của người dân cao hơn. Tôi hy vọng việc bán buôn sẽ nhộn nhịp, đời sống khá giả hơn và có tiền cho các con lên thành phố học”, ông Út Cực nói.
Cũng với cảm xúc phấn khởi, ông Võ Thành Long (trú tại ấp Thanh Nhàn, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình ông đồng tình chủ trương mở cao tốc, nhận tiền đền bù và sớm bàn giao một phần đất vườn và đất lúa cho Nhà nước. “Mở đường lớn thì hạt gạo, con tôm, trái xoài quê tôi sẽ được giá hơn, người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn. Nhà tôi cách cảng Trần Đề không xa, nghe Nhà nước nói sẽ mở khu dịch vụ cảng biển, khu công nghiệp. Lũ trẻ sẽ về làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp gần nhà, không phải bôn ba trên thành phố nữa”, ông Long nói.
Tháng 4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Chủ trương này là nút bấm tiên phong mở toang hàng lang Tây Bắc - Đông Nam, hình thành trục cao tốc ngang đầu tiên cho vùng Tây Nam Bộ. Dự án có tổng chiều dài khoảng 189,48 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25 m. Trong giai đoạn phân kỳ, quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, mặt cắt ngang 17 m với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần (DATP). Cụ thể, DATP 1 dài 57,014 km, DATP 2 dài 37,42 km, DATP 3 dài 37 km, DATP 4 dài 58,37 km, lần lượt do các tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng đảm nhiệm vai trò làm cơ quan chủ quản.
Ông Nguyễn Thành Duy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc HDGroup, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng chứng kiến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được khởi công. Là doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thương mại, nhu cầu vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu từ các cửa khẩu tỉnh An Giang lên các tỉnh Đông Nam Bộ và TP.HCM của HDGroup rất lớn. “Hiện tại, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường nhỏ, cầu yếu hạn chế tải trọng, tốc độ khiến HDGroup gánh mức chi phí vận tải lớn và tốn nhiều thời gian. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Khi cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành, cùng với cảng biển Trần Đề được đầu tư đồng bộ sẽ giúp các doanh nghiệp đang hoạt động tại Đồng bằng sông Cửu Long tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí”, ông Nguyễn Thành Duy nói. Ông Duy tin tưởng, có cao tốc, các khu, cụm công nghiệp, đô thị hình thành, An Giang sẽ như “cô gái đẹp” hấp dẫn các nhà đầu tư lớn; các tiềm năng về sản xuất, chế biến nông thủy sản, du lịch có cơ hội phát triển bứt phá, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.
Lãnh đạo nhiều địa phương cũng chia sẻ các định hướng chiến lược để tận dụng tối đa cơ hội mà tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mở ra. Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, tuyến cao tốc tạo nền tảng tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế, kết nối liên thông giữa các đô thị, các cực tăng trưởng Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cảng biển Trần Đề. Để khai thác lợi thế cao tốc, Sóc Trăng đang nghiên cứu, tổ chức định hướng, tích hợp các quy hoạch giao thông, đô thị, công nghiệp… vào quy hoạch Tỉnh nhằm bảo đảm tính liên kết, đồng bộ và phát triển bền vững. “Chúng tôi sẽ quy hoạch các khu công nghiệp, dịch vụ - thương mại phù hợp để tận dụng ưu thế hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Đặc biệt tại huyện Trần Đề tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu, ưu tiên phát triển là đô thị, công nghiệp, dịch vụ logistics cảng biển…”, ông Lâm Hoàng Nghiệp nói và cho biết, Tỉnh sẽ sớm hoàn thành các thủ tục để kêu gọi đầu tư vào Dự án Cảng biển nước sâu Trần Đề.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ưu thế năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng. An Giang sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng các khu đô thị dọc tuyến, rút ngắn thời gian vận tải hàng hóa từ cửa khẩu Tịnh Biên của Tỉnh đến cảng nước sâu Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quy hoạch Tỉnh tới năm 2030, tầm nhìn 2050, An Giang sẽ tích hợp quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và đô thị bám sát trục cao tốc nhằm tạo đột phá mới về phát triển kinh tế.
Trong đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, điểm nghẽn giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ dần được khai thông nhờ các dự án cao tốc. Cùng với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thời gian gần đây, hệ thống cao tốc vùng Tây Nam Bộ đã có bước phát triển lột xác. Vài năm tới, tính liên kết giữa không gian kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM được cải thiện, sẽ nhanh chóng mang lại cơ hội phát triển, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt cũng tăng lên nhờ chi phí sản xuất, vận tải được kéo giảm. Bên cạnh đó, lực hút đầu tư tăng lên, vùng đất “Chín Rồng” sẽ cất cánh và vươn tới đích thịnh vượng.