Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Hậu Giang đón đầu cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Với vị trí là “cửa ngõ” cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trong thời gian qua, Hậu Giang đã dày công chuẩn bị để Dự án khởi công đúng kế hoạch. Cao tốc là vận hội để Hậu Giang tận dụng mọi lợi thế, tiềm năng nhằm chuyển mình, nâng tầm sự phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chia sẻ.
Hậu Giang tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch
Hậu Giang tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch

Quyết tâm hoàn thành Dự án đúng tiến độ

Trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, ông Đồng Văn Thanh cho biết, ngày 28/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg về phân cấp thực hiện các dự án cao tốc, trong đó đã phân cấp cho tỉnh Hậu Giang làm Cơ quan chủ quản Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Đây là lần đầu tiên Tỉnh thực hiện dự án quan trọng quốc gia, do đó Hậu Giang cũng gặp những khó khăn thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị, với tinh thần không ngại khó, Tỉnh đã và đang nỗ lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đó là hoàn thành Dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Hậu Giang sẽ khởi công Dự án thành phần 3 vào ngày 17/6/2023 như kế hoạch Chính phủ đã định.

Ông Đồng Văn Thanh

Ông Đồng Văn Thanh

Bên cạnh công tác chuẩn bị tổ chức khởi công, trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương trên địa bàn Hậu Giang đã phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng; đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng đang chi trả cho người dân. Hậu Giang sẽ phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30 tháng 6 năm 2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31 tháng 12 năm 2023 như Nghị quyết 91/NQ-CP của Chính phủ quy định. Hồ sơ thiết kế đã được đơn vị chuyên môn về xây dựng của Bộ Giao thông vận tải thẩm định, Chủ đầu tư đã tiến hành phê duyệt. Về các thủ tục lựa chọn nhà thầu, Tỉnh đã chỉ đạo Chủ đầu tư triển khai theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Bố trí đủ nguồn vốn cho Dự án

Về nguồn vốn bố trí cho Dự án, ông Đồng Văn Thanh cho biết, Hậu Giang đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải trong việc tham mưu bố trí vốn, đảm bảo đầy đủ nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án. Trong năm 2023, tổng nguồn vốn Dự án đã được bố trí 1.334 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thanh, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là dự án quan trọng quốc gia, có vốn đầu tư lớn, kỹ thuật phức tạp. Do đó, ngay từ đầu, Tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải lựa chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, từng tham gia các dự án cao tốc để thực hiện các công việc tư vấn. Với khối lượng lớn, thời gian thực hiện ngắn, để hoàn thành theo tiến độ, Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án cao tốc, đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án, Kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trong đó giao nhiệm vụ, thời gian cụ thể cho các đơn vị phấn đấu thực hiện.

Để triển khai Dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tỉnh Hậu Giang chỉ đạo đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng phối hợp với các địa phương có Dự án đi qua, quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu triển khai đồng bộ các hạng mục, rút ngắn tiến độ dự án. Hậu Giang cũng chỉ đạo các sở ngành, địa phương giải quyết nhanh nhất các kiến nghị của Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công, để Dự án không bị đình trệ do ách tắc tại các cơ quan có thẩm quyền.

Hậu Giang nằm trong vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do đó cả 3 tuyến cao tốc quan trọng của vùng đều đi qua địa bàn của Tỉnh. Trong đó, 2 dự án cao tốc là Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giao cắt tại trung tâm địa lý của tỉnh Hậu Giang.

Cùng với đó, Hậu Giang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để xác định mỏ cát phục vụ cho Dự án, đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời, trước khi khởi công, Tỉnh yêu cầu Chủ đầu tư, các đơn vị tham gia phải có kế hoạch, tiến độ cụ thể từng hạng mục theo từng tháng; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, có giải pháp xử lý ngay các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai; đặc biệt, phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, đảm bảo công tác triển khai phải đạt chất lượng, không chấp nhận việc không đảm bảo chất lượng với bất kỳ lý do nào.

Tuyến cao tốc tạo lợi thế đặc biệt phát triển Hậu Giang

Hậu Giang nằm trong vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do đó cả 3 tuyến cao tốc quan trọng của vùng đều đi qua địa bàn của Tỉnh. Trong đó, 2 dự án cao tốc là Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giao cắt tại trung tâm địa lý của tỉnh Hậu Giang. Tận dụng lợi thế từ cao tốc mang lại, Hậu Giang đã xây dựng định hướng phát triển tại Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm nhiệm vụ trọng tâm”. Trong đó, “Hai tuyến” là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực, gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Riêng dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là trục cao tốc Đông Tây kết nối các tỉnh phía Nam sông Hậu với trục cao tốc Bắc Nam tạo thành mạng lưới đường bộ cao tốc liên hoàn, sẽ là trục động lực kinh tế kết nối các cửa khẩu phía Tây Nam, đưa hàng hóa các tỉnh trong khu vực xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài thông qua cảng biển Trần Đề. Đây là 1 trong 2 tuyến động lực quan trọng của Hậu Giang trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa rất to lớn và sẽ song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. “Do đó không chờ đến khi Dự án hoàn thành, mà ngay từ bây giờ, Hậu Giang đã có những kế hoạch, định hướng để khai thác, phát huy hiệu quả cao nhất mà Dự án đem lại”, ông chia sẻ.

Cụ thể, Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng đề án để phát triển, phù hợp với tiềm năng, lợi thế do Dự án đem lại. Tỉnh sẽ quy hoạch các khu công nghiệp tập trung tại các vị trí cửa ngõ của cao tốc để đón đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam, đón chào các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Từng bước hình thành, phát triển đô thị thông minh kết hợp với du lịch sinh thái, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Hình thành 05 trung tâm công nghiệp logistics trên địa bàn để từng bước phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Hải An ghi

Chuyên đề

Kết nối đầu tư