Cung ứng linh kiện, phụ tùng cho doanh nghiệp FDI sẽ không khó nếu doanh nghiệp nội được đầu tư bài bản từ máy móc, công nghệ đến quản lý sản xuất. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, gần đây có những tín hiệu cho thấy, “cửa” cung ứng linh kiện, phụ tùng cho DN FDI không phải lúc nào cũng hẹp với DN nội biết làm đúng cách.
Kinh nghiệm từ nhà cung cấp cho Konica
Xuất phát từ một DN nhỏ sản xuất ống kem đánh răng, hiện Công ty Cát Thái (thuộc Tập đoàn Phương Anh - PATC Group) đã trở thành nhà cung cấp phần lớn các linh kiện nhựa trong máy in chuyên nghiệp của Tập đoàn Konica Minolta (là khách hàng lớn nhất), máy giặt và tủ lạnh Sanyo, tai nghe của Foster, mascara của Shiseido, thiết bị điện cho Shneider Electric… Ngoài ra, Công ty còn tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn ở nước ngoài. Hiện tỷ trọng khách hàng Nhật Bản của DN này chiếm 70%, 30% còn lại là DN châu Âu, Mỹ.
Mới đây, phát biểu tại hội nghị triển khai ngành công thương năm 2016 ở TP.HCM, ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Cát Thái chia sẻ, để giành được hợp đồng cung ứng linh kiện, phụ tùng cho những tập đoàn lớn như Konica thì cần thời gian tiếp xúc đủ lâu dài để hai bên hiểu nhau và có đường hướng phát triển chung, chiến lược kinh doanh phù hợp. Song song với việc đàm phán ký kết các điều khoản về giá cả, phương thức giao hàng, thanh toán, là nhiều đợt viếng thăm kiểm tra, đánh giá quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm của lần lượt các bộ phận và Ban giám đốc của Tập đoàn Konica.
Nhìn từ trường hợp trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu DN nội được đầu tư lớn, bài bản vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (từ máy móc, công nghệ đến quản lý sản xuất), tự hoàn thiện, nâng cao năng lực sản xuất trước khi đàm phán, ký kết với đối tác FDI thì cánh cửa cung ứng cho DN FDI sẽ không khó.
Không chỉ vậy, các DN nội cần nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác với đối tác FDI, điều này sẽ giúp DN cung ứng được sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi sản xuất toàn cầu của DN FDI.
Đặc trưng đáng chú ý của ngành dệt may
Ở ngành dệt may, theo dự báo mới đây của các chuyên gia, khi các FTA có hiệu lực, doanh số ngành may mặc vào năm 2020 sẽ đạt mốc 30 tỷ USD, giá trị nguyên phụ liệu cần có là 21 tỷ USD. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp yêu cầu xuất xứ theo cam kết là tiền đề quan trọng để DN may mặc nội địa khai thác cơ hội theo điều kiện xuất xứ để cung ứng cho các DN may mặc FDI.
Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần các DN FDI trong lĩnh vực dệt may ở Việt Nam là các công ty toàn cầu. Họ đến từ các cường quốc ngành dệt may có xu hướng đầu tư khép kín từ kéo sợi đến thành phẩm may mặc, các công đoạn thiết kế, phân phối do công ty mẹ đảm nhận. Kể cả các DN FDI đã đầu tư cũng chuyển dịch theo xu thế này như Formosa, Bamboo…
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn cho rằng, xu thế này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh do giá thành thấp, thời gian sản xuất ngắn, dẫn đến gia tăng lợi thế cạnh tranh lao động do sản xuất ổn định. Nhưng đồng thời cũng bất lợi đối với DN Việt Nam, ngoại trừ một số DN có tiềm lực mạnh như Vinatex (cũng đầu tư khép kín). Điều này sẽ tạo cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực cung ứng nguyên phụ liệu, linh kiện theo yêu cầu xuất xứ.
Điều kiện xuất xứ mang lại cơ hội cho DN may mặc nội thay thế nguồn cung của DN FDI. Bởi vì nếu không có xuất xứ, họ sẽ không có những ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề còn lại là sản phẩm cung ứng của hàng nội phải có giá cạnh tranh và thiết kế phong phú, đáp ứng yêu cầu thời trang, mùa vụ của thị trường. Nói như ông Lê Quang Hùng khi đầu tư công nghiệp hỗ trợ là “bán cái ngành may cần, không bán cái họ có”.