Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về đấu giá biển số xe. Ảnh: Minh Anh |
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc làm đầu tiên và bắt buộc là phải có quy định pháp lý để xác định biển số xe là tài sản, từ đó mới có thể thực hiện việc đấu giá.
Thiếu cơ sở pháp lý
Tại cuộc họp bàn giữa Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để lấy ý kiến, xây dựng Dự thảo Đề án đấu giá biển số xe gần đây, Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, vướng nhất hiện nay vẫn là cơ sở pháp lý để đấu giá biển số xe.
Theo Đại tá Lê Xuân Đức, Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) quy định cụ thể các loại tài sản đấu giá nhưng không có biển số xe; trong đó Điểm p Khoản 1 Điều 4 của Luật quy định, ngoài các tài sản được quy định cụ thể thì còn có “tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá”. Khoản 11 Điều 5 Luật ĐGTS cũng quy định: “Tài sản đấu giá là tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật”. Chính vì vậy, theo Đại tá Lê Xuân Đức, để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đấu giá biển số xe thì cần xác định biển số là tài sản được phép đấu giá theo quy định của Luật ĐGTS.
Để thực hiện việc này, một số văn bản liên quan cũng cần được điều chỉnh, trong đó có việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, thay vì “cấm mua, bán biển số xe” như hiện nay thì chuyển thành “cấm hành vi mua bán biển số xe trái phép”.
Bàn về tính pháp lý của việc đấu giá biển số xe, Luật sư Ngô Thế Thêm cho rằng, với các quy định pháp lý hiện tại thì biển số xe chưa được coi là tài sản đúng nghĩa. Bởi, việc cơ quan có thẩm quyền đang thực hiện cấp biển số xe cho người dân không phải là cấp tài sản mà là cấp 1 ký hiệu để quản lý phương tiện giúp tìm ra được chủ xe, truy tìm xe vi phạm, theo dõi các đối tượng nghi vấn…
Coi biển số xe là tài sản nhà nước
Theo quan điểm của Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, Khoản 1 Điều 4 của Luật ĐGTS quy định tài sản đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá. Quy định này được xây dựng trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật chuyên ngành về các loại tài sản phải thực hiện đấu giá. Cụ thể là việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai; việc bán các loại tài sản nhà nước (TSNN) theo hình thức đấu giá do Luật Quản lý và sử dụng TSNN, Luật Thi hành án dân sự quy định; bán quyền khai thác khoáng sản bằng hình thức đấu giá quy định trong Luật Khoáng sản;…
Như vậy, đối với biển số xe thì chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể việc đấu giá. Nếu pháp luật chuyên ngành (đang do Bộ Công an chủ trì xây dựng) có quy định biển số xe đẹp phải bán thông qua đấu giá thì sẽ có cơ sở pháp lý để thực hiện đấu giá loại tài sản này theo trình tự, thủ tục của Luật ĐGTS.
Đồng thuận quan điểm này, Luật sư Ngô Thế Thêm nhấn mạnh, Luật ĐGTS chỉ quy định những TSNN buộc phải bán ĐGTS thì sẽ phải bán bằng các nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định tại Luật. “Để xác định biển số xe được bán ĐGTS thì cần có quy định cụ thể trong một văn bản luật khác (có thể là Luật Quản lý TSNN hay pháp luật chuyên ngành) quy định cụ thể tài sản nào là TSNN và bắt buộc phải bán đấu giá thì tài sản đó sẽ được bán bằng quy định của Luật ĐGTS” – Luật sư Thêm nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến cũng cho rằng, để xác định biển số xe là TSNN thì tài sản đó phải chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng TSNN cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, Khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ hiện hành nghiêm cấm hành vi mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Do đó, ông Chiến nhấn mạnh: “Phải có sự rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý liên quan này trước. Trường hợp triển khai ngay cũng chỉ có tính thí điểm và việc thí điểm cũng phải dựa trên hành lang pháp lý để đảm bảo không vi hiến, không trái các văn bản pháp luật liên quan”.
Đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản nêu quan điểm, muốn thực hiện đấu giá biển số phải có quy định cụ thể về khai thác kho số cấp cho phương tiện giao thông vận tải; cá nhân, tổ chức chủ trì bán đấu giá; đơn vị quản lý phần mềm đấu giá; trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Theo một chuyên gia, việc này phải tính toán kỹ trước khi thực hiện, phải lường trước được các tiêu cực. Nên coi biển số xe là tài sản, nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng, tức là phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý phương tiện của pháp luật. Cụ thể là mỗi biển số chỉ gắn với 1 xe, khi chuyển nhượng thì biển số đó được cơ quan công an làm thủ tục cùng với xe, phương tiện hết hạn sử dụng phải thu hồi biển số.
Được biết, hiện Bộ Công an đang tập hợp ý kiến góp ý bằng văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để sớm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét xây dựng cơ chế đấu giá biển số xe ô tô.