Trong các giải pháp đốc thúc giải ngân đầu tư công, Chính phủ kiên quyết điều chỉnh vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân nhanh hơn. Ảnh: Lê Tiên |
Giải ngân nhanh, tăng trưởng có thể cao hơn
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, giải ngân vốn đầu tư công chậm đã có ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Số liệu giải ngân 10 tháng năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Trong nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như lập kế hoạch chưa sát, giao chi tiết chậm, chưa phù hợp với tiến độ dự án, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao...
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ, dường như một số cơ quan, một số bộ, ngành có vẻ do dự, chần chừ trong việc giải quyết, tháo gỡ một số cơ chế, chính sách vì sợ trách nhiệm. “Quản trị thì yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo của người đứng đầu có hạn chế, lại trong bối cảnh "lò lúc nào cũng nóng", do đó không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm”, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đặt giả thiết: Có chăng do công khai, minh bạch hơn, do kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây đạt kết quả tốt, làm mất động lực của các chủ đầu tư, hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia hay còn vì lý do gì khác?
Theo ông Hạ, nguyên nhân gốc rễ khác là do công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án còn nhiều bất cập. “Các nước phát triển họ chuẩn bị đầu tư 2 đến 3 năm để làm trong 1 năm, nhưng chúng ta chỉ chuẩn bị 1 tháng hay vài tháng để làm trong cả một giai đoạn”, ông Hạ nêu.
Từ đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm có giải pháp căn cơ và quyết liệt hành động để khắc phục dứt điểm hạn chế về giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, công khai những người đứng đầu để xảy ra tình trạng giải ngân chậm. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn, khai thác sử dụng các nguồn lực cho phát triển như đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài sản công tiết kiệm và hiệu quả hơn thì chắc chắn kết quả phát triển kinh tế - xã hội còn cao hơn, ấn tượng hơn, thậm chí tăng trưởng có thể trên 7%.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để đảm bảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có thể triển khai được ngay khi có hiệu lực vào đầu năm 2020, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đang được Bộ KH&ĐT hoàn thiện. Sáng 4/11/2019, Bộ KH&ĐT đã tổ chức họp Ban soạn thảo để cho ý kiến, thông qua nội dung 4 dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công để gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định. Cụ thể, đó là các dự thảo: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP hướng dẫn dự án quan trọng quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung, các dự thảo nghị định sẽ sớm được bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo trình Chính phủ trong tháng 11, ban hành trong tháng 12/2019.