Xuất hiện tâm lý e ngại, né tránh trách nhiệm ở các cấp dẫn đến không mặn mà thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên |
Giải ngân vốn đầu tư công thấp
Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2019 mặc dù có dấu hiệu tích cực khi đạt tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều khi tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015 - 2019.
Về giao vốn, Bộ KH&ĐT luôn cố gắng giao sớm nhất, nhiều nhất để có thể nhanh chóng triển khai. “Việc giao vốn không đơn giản, phải có đủ thủ tục theo luật pháp mới được giao. Khi các bộ, ngành và địa phương không làm đầy đủ các thủ tục thì Bộ KH&ĐT không thể giao vốn được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong 8 tháng qua, Bộ KH&ĐT đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức các đoàn kiểm tra. Cụ thể, Bộ đã chủ trì thành lập một số đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn trực tiếp làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm của 3 miền nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp và nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm được người đứng đầu Bộ KH&ĐT lý giải do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có việc nhiều bộ, ngành và địa phương không mặn mà với giải ngân vốn đầu tư công.
“Năm nay có nguyên nhân mới là xuất hiện tâm lý e ngại, né tránh trách nhiệm ở các cấp dẫn đến không mặn mà thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, do đó thực hiện chậm các thủ tục đầu tư theo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT, còn nhiều nguyên nhân khác như: Tâm lý chủ quan của một số địa phương về việc được kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm; nhiều địa phương không thực hiện quy định về phân cấp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã; nhiều dự án đầu tư nguồn vốn ODA kế hoạch 2019 gặp vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, thuế nhập khẩu, kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước, thủ tục ghi thu - ghi chi với Bộ Tài chính…
Nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn
Nhằm gỡ “nút thắt” giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1042/CĐ-TTg gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Thực hiện công điện này, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị, trong đó có chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Bám sát tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công của từng dự án, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm để chỉ đạo kịp thời, giải quyết triệt để các vướng mắc của từng dự án.
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân theo nhóm dự án. Dự án hoàn thành năm 2019 thì tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán, khẩn trương lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; dự án chuyển tiếp thì tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành... gửi Kho bạc Nhà nước làm cơ sở kiểm soát, thanh toán, không để dồn vào cuối năm. Đồng thời, xử lý triệt để các nguyên nhân gây chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; đền bù, giải phóng mặt bằng…