CPI năm 2019: Thận trọng với biến động kinh tế thế giới

(BĐT) - Chính sách kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, thị trường quốc tế không có biến động quá lớn là những yếu tố giúp lạm phát của Việt Nam đang ở trong giai đoạn bình ổn. Năm 2019, diễn biến khó lường của kinh tế thế giới là yếu tố quan trọng tác động đến kinh tế Việt Nam, trong đó có chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Biến động của giá dầu thô do biến động chính trị thế giới có thể tác động mạnh tới lạm phát của Việt Nam năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Biến động của giá dầu thô do biến động chính trị thế giới có thể tác động mạnh tới lạm phát của Việt Nam năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Giai đoạn ổn định vừa phải

Từ năm 2013 đến nay, CPI bình quân năm chỉ dao động từ 0,63% đến 6,6%. Đây được coi là mức tăng khá thấp so với giai đoạn trước đó. Đáng chú ý, năm 2017 và năm 2018, CPI bình quân năm gần bằng nhau ở mức thấp vừa phải, lần lượt là 3,53% và 3,54%. Đây là kết quả từ nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành chính sách vĩ mô ổn định đồng thời duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao.

Nhận xét về diễn biến lạm phát trong cả giai đoạn vừa qua, TS. Vũ Đình Ánh thuộc Viện Kinh tế Tài chính nói: “Lạm phát nước ta đang trong giai đoạn ổn định ở mức vừa phải nhờ cả các yếu tố chủ quan từ chính sách kinh tế vĩ mô lẫn yếu tố khách quan từ thị trường quốc tế. Bài học về điều hành thị trường giá cả tránh tăng giá dồn dập trong thời gian ngắn, kết hợp tốt các yếu tố khách quan và chủ quan trong điều chỉnh tăng giá viện phí và học phí theo lộ trình đã thực hiện trong năm 2018 là rất quan trọng cho các năm tiếp theo”.

Khá tương đồng quan điểm với những nhận xét nêu trên, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến thuộc Học viện Tài chính cho rằng, CPI năm 2018 tăng với mức thấp hơn dự kiến và lạm phát cơ bản luôn thấp hơn lạm phát bình quân là kết quả của công tác quản lý tích cực, chủ động của Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển ổn định và bền vững nền kinh tế. Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định giá cả, thị trường trong năm được ban hành và thực thi một cách kịp thời và có hiệu quả tích cực. 

Vẫn còn thách thức

Thời gian vừa qua, đồng USD liên tục lên giá và nhiều dự báo cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục nâng lãi suất đồng USD trong năm 2019. Điều này có thể làm cho VND suy yếu, từ đó, có thể khuyến khích xuất khẩu trong ngắn hạn song có thể dẫn tới rủi ro về tỷ giá trong trung và dài hạn.
Dự báo về lạm phát năm 2019, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, xu thế bình ổn có thể tiếp diễn khi dự báo thị trường thế giới không có biến động quá lớn về giá, đồng thời, các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều lấy ổn định và thận trọng làm phương châm chỉ đạo. “Dĩ nhiên, biến động quá mạnh của giá dầu thô do biến động chính trị thế giới có thể tác động mạnh tới lạm phát của Việt Nam năm 2019, song tôi tin là Chính phủ có biện pháp ứng phó phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm”, ông Ánh nói.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, tình hình kinh tế - xã hội - chính trị thế giới năm 2019 sẽ có biến động rất khó dự báo. Đáng chú ý, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể lắng dịu và nhiều khả năng sẽ càng căng thẳng hơn. Giá cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường thế giới có thể sẽ tăng cao hơn, khiến kinh tế Việt Nam phải đối mặt các thách thức mới.

Về chính sách tiền tệ, theo ông Tuyến, Việt Nam đang thực hiện chính sách tỷ giá cố định tương đối so với đồng USD trong một thời gian khá dài. Thời gian vừa qua, đồng USD liên tục lên giá và nhiều dự báo cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục nâng lãi suất đồng USD trong năm 2019. Điều này có thể làm cho VND suy yếu, từ đó, có thể khuyến khích xuất khẩu trong ngắn hạn song có thể dẫn tới rủi ro về tỷ giá trong trung và dài hạn.

Từ những phân tích và dự báo này, ông Tuyến đưa ra một số giải pháp để kiểm soát CPI theo mục tiêu đã đặt ra. Đó là, tiếp tục chính sách quản lý, điều hành giá linh hoạt hướng tới mục tiêu ổn định giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo dõi kịp thời biến động của giá thực phẩm, giá vật liệu xây dựng, giá đồ dùng gia đình, giá xăng dầu là những sản phẩm có tác động lớn tới CPI và thực hiện các giải pháp điều chỉnh kịp thời nhằm ổn định giá.

“Bên cạnh đó, đối với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, phải rất lưu ý tới mức độ và thời điểm điều chỉnh để không ảnh hưởng nhiều tới CPI. Đồng thời, nên nghiên cứu kỹ về tỷ giá, xem xét và từng bước điều chỉnh tăng dần từng bước phù hợp với thị trường, không nên giữ cố định tỷ giá quá lâu như hiện nay. Thực hiện các biện pháp tăng tính hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, giảm vay nợ, sử dụng có hiệu quả vốn vay”, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến nhấn mạnh.

Chuyên đề