Xuất bản sách giáo khoa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục. |
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, trong đó ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ xấp xỉ 857 tỷ đồng. Hoạt động xuất bản sách giáo khoa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu với 72%, tương đương 621 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn bán hàng, bình quân mỗi ngày đơn vị này lãi gộp hơn nửa tỷ đồng từ mảng kinh doanh đang nắm thế độc quyền trên thị trường.
Dù biên lợi nhuận khá sáng sủa, nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới đây lại đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tăng giá bộ sách hiện hành để “đảm bảo doanh thu bù đắp chi phí và tạo sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng”.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 6%, trong khi nguồn thu phụ từ hoạt động tài chính giảm mạnh do không còn lãi chuyển nhượng chứng khoán nên lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 82 tỷ đồng. Dù giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kết quả này vẫn giúp nhà xuất bản lớn nhất cả nước hoàn thành kế hoạch năm đề ra trước đó.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty đang chiếm khoảng 80% thị phần phát hành sách trong cả nước. Ngoài ngành nghề kinh doanh chính, công ty còn hoạt động trong lĩnh vực buôn bán vật tư và bất động sản.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2017-2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng liên tiếp 4% một năm. Dự kiến đến năm 2022 sẽ cán mốc 1.500 tỷ đồng doanh thu và 90 tỷ đồng lợi nhuận.
Ban lãnh đạo công ty đánh giá, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa được triển khai sẽ khiến thế độc quyền xuất bản sản phẩm này bị phá vỡ. Công ty bước vào môi trường cạnh tranh khốc liệt về chất lượng, giá bán và chính sách bán hàng với đối thủ là nhà xuất bản thuộc sở hữu của các trường đại học có tiềm lực tài chính và sự đầu tư lớn.
Công ty đang chủ trì và tổ chức biên soạn 495 đầu sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến 12 cho giai đoạn từ nay đến 2020, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng một bộ. Đồng thời, tập trung phát triển đề án xuất bản điện tử và sản xuất thiết bị trường học để tăng sức cạnh tranh.