Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang là chủ nợ lớn nhất của Công ty CP CMISTONE. Ảnh: Lê Tiên |
Hoạt động kinh doanh khó khăn cùng với tài chính kém lành mạnh của CMISTONE có lẽ cũng là vấn đề đau đầu đối với Agribank, chủ nợ của CMISTONE với khoản tín dụng hơn 100 tỷ đồng và các chủ nợ khác.
Rủi ro thanh khoản
Tính đến thời điểm cuối quý III/2018, tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn của CMISTONE đã tăng thêm 48% so với đầu năm 2018, từ 169,7 tỷ đồng lên 252,6 tỷ đồng. Mặc dù báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 không thuyết minh cụ thể chủ nợ của CMISTONE nhưng có thể thấy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đang là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này. Cụ thể, tính đến thời điểm cuối quý II/2018, CMISTONE đang vay 148,7 tỷ đồng tại Agribank.
Việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp là một hoạt động bình thường trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tình hình tài chính của CMISTONE đang cho thấy gia tăng rủi ro. Do đó, việc tiếp tục cấp tín dụng cho CMISTONE sẽ mang lại nguy cơ nợ xấu cho các chủ nợ.
Tại thời điểm 30/9/2018, tổng tài sản ngắn hạn của Công ty chỉ còn 33 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với nợ phải trả ngắn hạn là 223 tỷ đồng, thậm chí còn bé hơn con số vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 133,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của CMISTONE tính đến cuối quý III/2018 cũng chưa đến nổi 1 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, CMISTONE khó có khả năng trả các khoản vay đang đến hạn.
Ngoài ra, kiểm toán viên cũng đưa ra nhiều ý kiến về các số liệu kế toán của CMISTONE trong báo cáo tài chính quý II/2018, đồng thời nhấn mạnh tồn tại nhiều yếu tố không chắc chắn ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của CMISTONE. Không rõ với tình hình tài chính kém khả quan như vậy cùng với các số liệu tài chính không rõ ràng, ngân hàng nào có thể cấp thêm tín dụng cho CMISTONE trong thời gian tới?
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm
Trong khi tình hình tài chính cho thấy nhiều rủi ro thanh khoản, tình hình kinh doanh của CMISTONE cũng xấu đi rõ rệt. Cụ thể, doanh thu thuần của CMISTONE 9 tháng năm 2018 chỉ đạt 3 tỷ đồng, bằng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại lên tới 15 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp âm 12 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 lợi nhuận gộp vẫn còn dương 2,7 tỷ đồng). Giá bán không bù đắp được chi phí sản xuất cho thấy nhiều rủi ro kinh doanh của CMISTONE.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm đến 78 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh khác cũng âm 39 tỷ đồng. Điều này khiến cho Công ty lỗ 118 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2018.
Trước đó, Công ty đã lỗ 47,2 tỷ đồng trong năm 2016 và lỗ 118,6 tỷ đồng năm 2017. Với kết quả như trên, tổng lỗ lũy kế của Công ty tại thời điểm cuối quý III/2018 đã là 252 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu tính đến 30/9/2018 cũng âm 80 tỷ đồng, trong khi đầu năm 2018, con số này vẫn còn là 13,7 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh thua lỗ khiến cho dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CMISTONE luôn ở trạng thái âm (năm 2015 âm 21,1 tỷ đồng; năm 2016 âm 47,3 tỷ đồng; năm 2017 âm 0,1 tỷ đồng và 9 tháng năm 2018 âm 0,3 tỷ đồng). Hoạt động kinh doanh chính không mang lại tiền cũng chính là nguyên nhân khiến số dư tiền của CMISTONE chỉ còn vỏn vẹn 40 triệu đồng và phụ thuộc lớn vào dòng vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tình hình kinh doanh khó khăn có lẽ không chỉ là nỗi buồn của riêng CMISTONE mà còn là nỗi lo của các chủ nợ, đặc biệt là Agribank.