Chuyện thoát nghèo ở xứ cổng trời Mường Lống

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 10 năm trước, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, tôi đã chọn Kỳ Sơn, huyện biên giới xa nhất, nghèo nhất của tỉnh Nghệ An để có chuyến công tác đầu tiên tìm hiểu về đời sống người dân. Sau đó, mỗi dịp cuối năm, tôi đều dành thời gian để trở về nơi đây, chứng kiến sự thay da đổi thịt của vùng biên xa xôi, thiếu thốn đủ bề này.
Chuyện thoát nghèo ở xứ cổng trời Mường Lống

Hơn 10 năm ấy là hành trình dài của một quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ lấy người dân làm trung tâm, làm mục tiêu thoát nghèo bền vững, làm thay da đổi thịt vùng đất này.

Cái rét chớm đông len lỏi theo chân chúng tôi từ Sân bay Vinh qua chặng đường dài hơn 400 km lên thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn. Đây là năm thứ 14 tôi giữ thói quen tìm về vùng đất này mỗi dịp hoa ban, hoa mận nở trắng dọc sườn núi chạy men bên thượng nguồn sông Lam. Đối với tôi, đây là vùng đất đặc biệt, vì ngoài xa nhất, nghèo nhất, còn nhiều cái nhất như phong cảnh đẹp nhất, sức vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số bền bỉ nhất, hiếu khách nhất…

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người coi Kỳ Sơn như một Sa Pa thu nhỏ. Kỳ Sơn thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, mang vẻ đẹp đặc sắc với những địa danh như cổng trời Mường Lống, chợ phiên Nậm Cắn, mỗi mùa hoa một sắc màu tô điểm thêm trên nền núi xanh biếc. Thời tiết ở đây luôn se lạnh ban đêm, đất đai màu mỡ, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại hoa, rau xanh. Những tên đất như Keng Đu, Đooc Mạy, Na Loi, Na Ngoi, Mường Típ… dẫu cách xa trung tâm huyện hàng trăm kilomet nhưng từ lâu đã trở nên thân quen, gần gũi với du khách bởi sự tinh khôi, hoang sơ và hữu tình.

Ở Kỳ Sơn, các dãy núi cao vợi nối tiếp nhau tạo nên khung cảnh kỳ vĩ như dãy núi Pu Lai Leng thuộc xã Nậm Càn có đỉnh cao 2.711 m, là ngọn núi cao nhất của Nghệ An và cả hệ Trường Sơn. Ngoài ra, trên địa bàn Huyện cũng có nhiều đỉnh núi cao khác như Pu Soong (2.365 m), Pu Tông (2.345 m), Pu Long (2.176 m)…

“Càng ở trên cao, càng thấm cái nhọc để sinh kế”, cán bộ xã Hữu Kiệm chia sẻ. “Đất đai màu mỡ, khí hậu ngoài mùa hè khô nóng rất dễ dàng canh tác, nuôi trồng. Tuy nhiên, vị trí địa lý quá xa xôi, cách trở nên lưu thông hàng hóa khó khăn lắm. Nông sản đồng bào sản xuất được không có đầu ra ổn định. Nhưng bản lĩnh của người dân Hữu Kiệm đã khuất phục được cái ngặt nghèo này”, anh chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Thời điểm năm 2011 trở về trước, xã Hữu Kiệm là một trong 20 xã khó khăn của huyện nghèo nhất cả nước. “Năm 2011, cả xã có 72% hộ dân là hộ nghèo. Nhưng nay, nhờ hỗ trợ của Nghị quyết 30a, rất nhiều biện pháp, gói cấp phát liên quan đến giống cây, con, công cụ sản xuất đã được ưu tiên cho đồng bào người Mông, Khơ Mú, Thái nơi đây. Cán bộ kỹ thuật xuống tận nhà dân hướng dẫn chuyển đổi mô hình nuôi trồng. Sau 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 4%. Nhờ sự vươn lên của đồng bào nhằm thoát nghèo, sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền xã, Hữu Kiệm đã trở thành xã nông thôn mới duy nhất của huyện nghèo nhất nước”, ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết.

Tại bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm, các hộ gia đình người Khơ Mú triển khai thành công mô hình vườn - ao - chuồng. Những đàn lợn mán, gà đồi được bao tiêu rất nhanh từ các thương lái dưới xuôi nhờ sự kết hợp hiệu quả của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đầu mối thu mua. Người dân không còn lo sản phẩm bí đầu ra, phụ thuộc vào các phiên chợ định kỳ mỗi tháng.

So với hơn 10 năm trước, Kỳ Sơn giờ thực sự vươn lên, sản xuất, thương mại và dịch vụ phát triển hơn. Nếu như trước đây, thời điểm này cũng là dịp những đoàn xe cứu trợ chở gạo về các bản làng cấp phát cho dân thì đến nay, cuộc sống người dân đã được cải thiện rất nhiều.

Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh, để có “kim chỉ nam” cho công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn đã ban hành Chỉ thị số 17 ngày 8/9/2017 về việc tiếp tục giúp đỡ hộ nghèo. Để triển khai thực hiện có hiệu quả, đi vào cuộc sống, huyện đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn, tổ chức quán triệt, đôn đốc, tuyên truyền thực hiện Chỉ thị.

Đến năm 2020, toàn huyện còn hơn 50% số hộ là hộ nghèo, vẫn là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Do đó, Kỳ Sơn còn rất nhiều việc phải làm để cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo thực sự hiệu quả trên diện rộng. Tại Kỳ Sơn, mỗi cán bộ, người đứng đầu cấp phòng, ban phải gương mẫu thực hiện trước, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc đơn vị mình nhận giúp đỡ từ 1 - 2 hộ nghèo ở địa bàn phụ trách.

Bên cạnh đó, cấp ủy xã, thị trấn chỉ đạo phân công các ban, ngành cấp xã, các chi bộ trực thuộc, mỗi đơn vị lựa chọn 1 hộ nghèo để giúp đỡ.

Rời Hữu Kiệm, chúng tôi ngồi trên những chiếc xe máy bám đầy bụi đỏ vào xã Keng Đu, nơi có 9/10 bản làng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khơ Mú với khoảng 600 hộ, trong đó, gần 70% là hộ nghèo. Căn nhà khang trang của ông Moong Phò Lư - điển hình vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế - nằm chếch trên con dốc. Với đàn bò hàng chục con, 300 con gà, 2 trang trại rau sạch, mỗi năm thu nhập của gia đình ông Lư xấp xỉ 150 triệu đồng - con số mà năm 2016 trở về trước, cả xã Keng Đu chưa ai dám mơ tới.

Tại bản Huồi Viêng (xã Đoọc Mạy) - nơi phên dậu của thượng nguồn sông Lam, tiếp giáp với nước bạn Lào, chúng tôi được giới thiệu mô hình giúp nhau giảm nghèo rất hay của Hội Phụ nữ. Chị Vừ Y Ca, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” cho biết, 30 hội viên là chị em người Mông đã giúp đỡ nhau và chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế rất hiệu quả.

Theo chân các chị đi ra phiên chợ sớm nơi cổng trời Mường Lống vào sáng sớm tinh mơ mùa đông mới thấy hết cảnh đẹp nên thơ của vùng đất biên viễn này. Từng đám mây trắng vẩn vơ vắt quanh những dải núi xanh biếc kéo dài ngút mắt đến đường chân trời tít tắp. Những thiếu nữ Khơ Mú, Mông, Thái xúng xính váy áo sặc sỡ, đôi má ửng hồng, nụ cười rạng rỡ, ấm áp báo hiệu những mùa vàng bội thu. Mùa xuân đang đến rất gần với sự ấm no, đủ đầy.

Chuyên đề