Chuyển đổi condotel thành chung cư tại Đà Nẵng: Những áp lực lớn dần

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đà Nẵng hiện là địa phương đầu tiên trong cả nước cho phép chuyển đổi công năng hai “đại” dự án bất động sản condotel thành chung cư. Điều này đang gây ra tâm lý lo ngại của người dân và các chuyên gia về việc quá tải hạ tầng đô thị, phá vỡ quy hoạch khu vực và ngân sách mất nguồn thu thường xuyên.
Gần 4.000 m2 đất tại Dự án Đà Nẵng Times Square được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị dùng xây nhà chung cư thương mại. Ảnh: Hà Minh
Gần 4.000 m2 đất tại Dự án Đà Nẵng Times Square được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị dùng xây nhà chung cư thương mại. Ảnh: Hà Minh

Giữa tháng 5/2023, Đà Nẵng cho phép Công ty CP Kim Long Nam được chuyển mục đích sử dụng gần 4.000 m2 đất tại Dự án Đà Nẵng Times Square (quận Sơn Trà) từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị dùng xây nhà chung cư thương mại, thời hạn sử dụng đất đến ngày 30/3/2056 (thời hạn còn lại tính từ thời điểm cho chuyển đổi còn lại 33 năm). Trước đó, năm 2019, Đà Nẵng cũng có quyết định cho phép gần 2.000 căn condotel (chiếm 50% số căn hộ) tại Dự án Cocobay (quận Ngũ Hành Sơn) do Công ty Thành Đô làm Chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng tương tự.

Việc cho chuyển công năng của các dự án có số lượng căn hộ lớn nhất nhì Đà Nẵng đang gây nên những tâm lý lo ngại đối với khu vực dân cư lân cận, các chuyên gia bất động sản và chuyên gia quy hoạch.

Ông Phan Thanh Hà, người có nhà ở gần dự án của Công ty CP Kim Long Nam cho rằng, khi dự án này hoàn thành, các căn hộ chung cư có người đến ở lâu dài sẽ gia tăng áp lực về mật độ giao thông, trường học, y tế, tiện ích công cộng… Theo ông Hà, mật độ dân số tại khu vực này hiện khoảng 1.000 người/km2, nhưng khi số lượng căn hộ đầy cư dân đến ở, mật độ sẽ tăng lên khoảng 3.000 người/km2. Trong khi đó, hạ tầng giao thông không mở rộng, trường học không xây thêm, công viên không đầu tư sẽ xảy ra tình trạng tắc đường, chạy trường trái tuyến, không gian sinh hoạt chật chội…

Cùng chung tâm lý với ông Hà, ông Trần Văn Thuấn (ở Khu đô thị Hoà Xuân gần với Dự án Cocobay) nêu lên thực trạng đang diễn ra trong khoảng 5 năm gần đây, Khu đô thị Hoà Xuân dù cư dân chưa đến ở đông đúc nhưng thường xuyên chịu cảnh tắc đường, nhất là tuyến từ Hoà Xuân vào trung tâm Đà Nẵng và về vùng ven. “Muốn đến khu Cocobay, đường ngắn nhất, dễ di chuyển nhất là đi qua Hoà Xuân. Nhưng với thực trạng về hạ tầng giao thông hiện tại, khi dân số các khu chung cư tại Cocobay tăng lên, ùn tắc là điều khó tránh khỏi”, ông Thuấn lo ngại.

Không chỉ người dân, các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, quy hoạch, kiến trúc cũng đã có những cảnh báo khi dự án condotel được chuyển thành chung cư. Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi condotel sang chung cư sẽ tạo tiền đề xấu trong việc phá vỡ quy hoạch phát triển chung của địa phương, gia tăng mật độ dân cư, kéo theo hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, cấp thoát nước và hạ tầng xã hội đi kèm cũng bị quá tải.

Condotel là một sản phẩm nằm trong khu du lịch nghỉ dưỡng, tức nằm trong phần đất có chức năng sản xuất kinh doanh dịch vụ, không có chức năng đất ở. Nếu cho chuyển đổi từ loại hình condotel thành căn hộ chung cư (nhà ở) sẽ làm cho giá trị của dự án bị sụt giảm, làm giảm giá trị khu vực đã được quy hoạch làm du lịch nghỉ dưỡng, đồng thời ngân sách bị mất nguồn thu thường xuyên từ kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chuyển condotel thành nhà ở chung cư là chuyển từ mục đích công cộng sang mục đích cá nhân, sở hữu cá nhân. Từ đó sẽ hình thành cộng đồng dân cư. Một khi đã hình thành cộng đồng dân cư thì phải có hạ tầng xã hội đi kèm, trong khi ban đầu quy hoạch dự án condotel thì yếu tố này rất hạn chế.

Quay lại với hai dự án condotel được chuyển thành chung cư tại Đà Nẵng, được biết, khi đề xuất được chuyển đổi công năng, Chủ đầu tư Dự án Cocobay cho biết dành 1,8 ha để xây dựng trường học, cây xanh…, nhưng đến nay chưa có trường học nào được xây dựng.

Đối với Dự án Đà Nẵng Times Square của Công ty CP Kim Long Nam, trước những lo ngại của dư luận, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng chỉ mới đưa ra những thông tin chung chung rằng, việc chuyển đổi condotel thành chung cư dựa trên các cơ sở pháp lý về dự án, quy hoạch xây dựng, đất đai và phải phù hợp quy hoạch đô thị, đảm bảo các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Ngoài ra, việc chuyển đổi phải được sự thống nhất giữa chủ đầu tư và tất cả người sở hữu để tránh tranh chấp, khiếu kiện về quyền lợi do nội dung điều chỉnh công năng; chủ đầu tư phải lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch các cấp đồng bộ theo các quy hoạch chung của Thành phố đã phê duyệt, đảm bảo tính kế thừa các quy hoạch qua các thời kỳ và phù hợp với pháp lý đất ở đô thị đã cấp.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư