Chuyển biến nhanh trong đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Theo thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng gói thầu điện tử thực hiện trên Hệ thống đã tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm, vượt cả tổng số lượng gói thầu điện tử trong cả năm 2016. 
Trong 9 tháng đầu năm 2017, hơn 5.900 gói thầu lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh: Nhã Chi
Trong 9 tháng đầu năm 2017, hơn 5.900 gói thầu lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh: Nhã Chi

Một số chuyên gia đánh giá, tỷ lệ gói thầu áp dụng cùng mức tiết kiệm ấn tượng đã khẳng định tính công khai, minh bạch và hiệu quả của đấu thầu qua mạng. Vấn đề còn lại chỉ là thay đổi nhận thức của chủ đầu tư, bên mời thầu để thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện đấu thầu qua mạng.

Thu hút 10 nhà thầu tham dự 1 gói thầu

Trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng số gói thầu lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là hơn 5.900 gói thầu, tổng giá gói thầu là 5.145 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 4.670 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách trung bình khoảng 9,23%, tương đương 475 tỷ đồng (tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu truyền thống là 8,07%). Đáng lưu ý, một số gói thầu đấu thầu qua mạng có giá trúng thầu tiết kiệm so với giá gói thầu từ 40% đến 60%.

Thống kê cũng cho thấy, số lượng nhà thầu tham dự một gói thầu điện tử bình quân là 2,52 nhà thầu/gói thầu. Trong đó, có 25 gói thầu điện tử thu hút nhiều nhà thầu tham dự (có trên 10 nhà thầu). 

Trong khi thời gian trung bình đối với các gói thầu chào hàng cạnh tranh, gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi áp dụng đấu thầu truyền thống là 32 ngày thì đối với đấu thầu điện tử chỉ là 28 ngày.

Theo đánh giá của Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã triển khai đấu thầu qua mạng rất tích cực, đảm bảo chỉ tiêu về đấu thầu qua mạng trong năm 2017 theo lộ trình quy định tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025. Cụ thể, về khối các Bộ, ngành có các đơn vị nổi bật như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ KH&ĐT, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…

UBND thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố Hà Nội là các điểm sáng trong khối các tỉnh, thành phố về số lượng gói thầu đấu thầu điện tử (241 gói thầu điện tử). Tuy nhiên, với Hà Nội, dù trong 9 tháng đầu năm đã lựa chọn nhà thầu qua mạng cho 241 gói thầu, nhưng do tổng số lượng gói thầu cao (trên 2.500 gói) nên chưa đạt được tỷ lệ như yêu cầu.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng là hai đơn vị điển hình trong áp dụng đấu thầu qua mạng kể từ giai đoạn thí điểm cho đến nay. 

Ban hành thông tư đấu thầu qua mạng trong quý IV/2017

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu khi thực hiện đấu thầu qua mạng, trong quý IV/2017, Bộ KH&ĐT sẽ ban hành Thông tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Đơn vị soạn thảo Thông tư cho biết, Thông tư sẽ được xây dựng trên tinh thần số hóa dưới dạng webform các mẫu hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, Thông tư còn mở rộng phạm vi áp dụng đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Cùng với đó, các thủ tục trong quá trình lựa chọn nhà thầu cũng tiếp tục được tin học hóa như: làm rõ hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu trực tuyến; nhà thầu có thể rút hồ sơ dự thầu trực tuyến và nộp lại.

Đồng thời, để mở rộng phạm vi áp dụng đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng các mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng và nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm áp dụng đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu sử dụng vốn tài trợ của ADB/WB.

Quan trọng hơn, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tin học hóa các thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu bằng việc tích hợp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các hệ thống công nghệ thông tin khác trong chính phủ điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu; thực hiện công khai thông tin trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu, để tăng tỷ lệ gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, truyền thông về đấu thầu qua mạng, thay đổi thói quen và nhận thức của các bên liên quan chủ chốt bao gồm: các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và cả nhà thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư