Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, có 482 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm tỷ lệ 96,79%); trong đó có 475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua toàn bộ Nghị quyết (chiếm tỷ lệ 95,38%), số đại biểu không tán thành với việc thông qua Nghị quyết là 3 đại biểu (chiếm tỷ lệ 0,60%) và số đại biểu không biểu quyết là 4 đại biểu (chiếm tỷ lệ 0,80%).
Với kết quả trên, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Trước đó, tại Kỳ họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Trên cơ sở các ý kiến đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo một số vấn đề chủ yếu, trong đó có việc cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn quy định tại Điểm b Khoản 1.
Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định lựa chọn đơn vị tư vấn; đồng thời có ý kiến cho rằng quy định về trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu sẽ khó thực hiện. Đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí, điều kiện năng lực hành nghề của tổ chức tư vấn lập quy hoạch, phù hợp với từng loại quy hoạch.
Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết đã cho phép người có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa lựa chọn được nhà thầu và trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định trách nhiệm của “Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu” để bảo đảm sự linh hoạt, chủ động gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc lựa chọn chất lượng đơn vị tư vấn đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Quy định này cũng tương tự với cơ chế cho phép chỉ định thầu đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, theo Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 - 2023, Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục chỉ định thầu bảo đảm phù hợp và khả thi.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật Quy hoạch, tổ chức tư vấn lập quy hoạch phải có tư cách pháp nhân và phải đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của Chính phủ. Hiện nay, nội dung này cũng đã được quy định chi tiết tại Điều 4 của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Đồng thời tại Điểm d Khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết đã giao cho Chính phủ chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch. Do đó, quy định về tiêu chí, điều kiện năng lực hành nghề của tổ chức tư vấn lập quy hoạch sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với từng loại quy hoạch.