Chính sách tiền tệ tiếp tục “giằng co” giữa lạm phát và lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang khiến các thành viên thị trường lo ngại rằng Fed có thể chưa hạ lãi suất trong năm 2024 khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, tiến trình giảm lạm phát về mục tiêu 2% đang “thiếu bước tiến”. Tác động từ động thái giữ lãi suất ở mức cao của Fed lan tỏa ra thị trường toàn cầu, khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới phải vật lộn để “đối phó”.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể duy trì lãi suất cao ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể duy trì lãi suất cao ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu

Hạ lãi suất không như kỳ vọng

Theo giới chuyên gia, những đợt tăng lãi suất liên tiếp trong 2 năm qua đã giúp nhiều quốc gia đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát và kiểm soát nhu cầu. Do đó, đã tới thời điểm tập trung cho tăng trưởng bằng việc bắt đầu các đợt hạ lãi suất trong nửa cuối năm 2024.

Thực tế, động thái rục rịch chuẩn bị cho các đợt giảm lãi suất đã xuất hiện trên toàn cầu. Trong đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada nhiều khả năng sẽ mở đầu với các đợt hạ lãi suất vào tháng 6 và dự báo có khoảng 4 đợt cho tới cuối năm. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng sẽ tham gia làn sóng này với việc hạ lãi suất 3 lần trong năm 2024.

Tại thị trường Mỹ, Fed đang bị “trói buộc” bởi lạm phát vẫn tăng mạnh, cách xa ngưỡng mục tiêu 2%. Sau khi các dữ liệu kinh tế tháng 3/2024 được công bố với lạm phát cao hơn dự kiến (CPI tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước), giới đầu tư hạ kỳ vọng giảm lãi suất trong năm nay xuống chỉ còn 2 đợt và bắt đầu từ tháng 9, thậm chí không loại trừ khả năng Fed sẽ lùi việc hạ lãi suất sang năm 2025. Trước đó, vào đầu năm, thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 6 lần trong năm 2024.

Ngân hàng Trung ương Australia và Ngân hàng Dự trữ New Zealand nhiều khả năng chưa thể bước vào chu kỳ hạ lãi suất bởi lạm phát vẫn trên 4% tại các nền kinh tế này.

Tuy nhiên, thông điệp chung trên toàn cầu khá rõ ràng: môi trường lãi suất cao đã thực hiện đúng “chức năng” kiềm chế lạm phát. Đáng chú ý, với việc giá dầu đã tăng 20% kể từ đầu năm tới nay trong bối cảnh xung đột Trung Đông leo thang, nếu tiếp tục chờ đợi lạm phát đạt mức mục tiêu mới hạ lãi suất thì nền kinh tế sẽ chịu nhiều hậu quả.

“Tại Mỹ, nhiều công ty gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Các nhà kinh tế chỉ ra rằng, người tiêu dùng và các công ty Mỹ đã được bảo vệ khỏi lãi suất cao của Fed nhờ các khoản nợ với lãi suất cố định thấp hơn và dài hơn từ thời kỳ Covid-19. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn tái cấp vốn mới, họ có thể sẽ bị sốc với mức lãi suất cao như hiện nay - điều sẽ khiến nền kinh tế Mỹ chứng kiến nhiều vụ đổ vỡ”, Altaf Kassam, Trưởng nhóm chiến lược đầu tư khu vực EMEA của State Street Global Advisors cho biết.

Bên cạnh đó, lãi suất cao cũng khiến các khoản nợ chính phủ trở nên đắt đỏ hơn. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên khoảng 4,6% từ mức 4,2% vào cuối tháng 3.

Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad chia sẻ trong cuộc gặp gỡ bên lề với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 19/4 rằng, số liệu CPI tháng 3/2024 của Mỹ được công bố không chỉ tác động tới nền kinh tế Mỹ và hành động của Fed, mà còn khiến nhiều nền kinh tế khác bối rối không biết phải phản ứng như thế nào. Mỹ đã duy trì mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự đoán và các bước đi tiếp theo là chưa rõ ràng. Trong khi đó, sức mạnh của đồng USD tạo áp lực lên các đồng tiền khác trên toàn cầu, buộc các ngân hàng trung ương phải tìm cách ứng phó.

Đồng USD đã tăng giá 4,75% so với rổ các đồng tiền quốc tế trong năm nay, tạo nên cơn đau đầu cho nhiều quốc gia. Trong đó, USD tăng 9,6% so với Yên Nhật và 6,5% so với đồng Won Hàn Quốc - 2 đối tác thương mại lớn của Mỹ.

IMF: Hãy tập trung vào chính sách tiền tệ của riêng mình

Những tháng gần đây, tâm lý lạc quan đã lan tỏa trên thị trường tài chính khi nhà đầu tư tin rằng cuộc chiến chống “lạm phát” đã đi tới chặng cuối và các ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng tiền tệ trong vài tháng tới. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại, vẫn còn nhiều thách thức và các ngân hàng trung ương cần duy trì sự thận trọng trên những dặm cuối.

Sau khi suy giảm nhanh trên toàn cầu, diễn biến lạm phát có sự phân hóa tại các quốc gia. Các số liệu từ đầu năm tới nay cho thấy, lạm phát lõi vẫn tăng trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước tại một số nền kinh tế phát triển và đang phát triển như Pháp, Đức, Italy, Mỹ, Anh, Philippines, Nam Phi… Đáng chú ý, lạm phát vẫn đang duy trì trên ngưỡng mục tiêu 2% tại Pháp, Anh và Mỹ, hoặc mức mục tiêu 3% tại Brazil và Mexico…

Trong khi đó, diễn biến địa chính trị khó lường đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là lĩnh vực năng lượng, tiềm ẩn rủi ro lạm phát tăng phi mã một lần nữa.

Theo IMF, để bảo vệ sự ổn định tài chính trên chặng đường cuối của chu kỳ nâng lãi suất, đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều. Giới chức quản lý cần bảo đảm hệ thống ngân hàng và các tổ chức khác có thể chịu đựng rủi ro phá sản và các đổ vỡ tài chính. Đồng thời, phải “đẩy lùi” tâm lý lạc quan quá đà của giới đầu tư với kỳ vọng nới lỏng tiền tệ để tránh phản ứng dây chuyền trên thị trường. Tất nhiên, khi quá trình kiềm chế lạm phát đạt tới mức mục tiêu, các ngân hàng trung ương cần dần nới lỏng chính sách để cổ vũ tăng trưởng.

Ngày 16/4/2024, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, tiến trình giảm lạm phát về mục tiêu 2% đang “thiếu bước tiến”, đồng nghĩa với việc “có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến” để cơ quan này có đủ tự tin bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cùng chung góc nhìn, Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết: “Tôi không thấy rằng việc hạ lãi suất nhanh chóng là cần thiết đối với sức mạnh của nền kinh tế hiện tại. Tôi cho rằng lãi suất sẽ phải điều chỉnh xuống mức thấp hơn ở một thời điểm nào đó, nhưng thời gian cụ thể là do nền kinh tế quyết định”.

Trong bối cảnh này, IMF khuyến nghị ngân hàng trung ương các quốc gia châu Á hãy tập trung vào chính sách tiền tệ của riêng mình, tránh việc “gắn quá chặt” với các bước đi của Fed.

“Nếu các ngân hàng trung ương trên thế giới theo bước Fed một cách sát sao, họ có thể tác động tiêu cực tới sự ổn định của chính mình”, Krishna Srinivasan, Giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Đáng chú ý, ECB được xem là một trong những cơ quan đã quyết định dẫn đầu chu kỳ hạ lãi suất với kế hoạch hạ lãi suất vào tháng 6, bất kể động thái của Fed. “Chúng ta cần nhận ra rằng, quyết định chính sách tiền tệ phải phụ thuộc dữ liệu tại khu vực châu Âu. Nếu các số liệu cho thấy cần phải hạ lãi suất trước Fed, thì hãy làm như vậy”, Thống đốc Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha Mario Centeno trả lời Reuters.

Chuyên đề