Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu quy định: “Nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hợp lệ; b) Có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu; c) Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu; d) Có sai lệch thiếu không quá 10% giá dự thầu; đ) Có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất đối với phương pháp giá thấp nhất; có giá đánh giá thấp nhất đối với phương pháp giá đánh giá; có điểm tổng hợp cao nhất đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; e) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu”.
Như vậy, ngoại trừ các gói thầu sử dụng vốn của nhà tài trợ, trong nhiều trường hợp, nhà thầu nào đưa ra giá dự thầu cao hơn giá gói thầu là đã chủ động rời khỏi cuộc thầu.
Báo Đấu thầu đã có không ít bài viết phản ánh hiện tượng này. Tham dự nhiều lễ mở thầu có “form” đấu thầu như vậy, phóng viên Báo Đấu thầu đã đặt câu hỏi đối với các nhà thầu chào vượt giá. Đa số các nhà thầu chào vượt giá trả lời là trong quá trình chuẩn bị HSDT họ không biết giá gói thầu, việc đưa ra giá dự thầu vượt giá gói thầu chỉ là “vô tình” và dựa trên các tính toán của họ về chi phí thực hiện gói thầu.
Một chuyên gia về đấu thầu bình luận, trên thực tế giá gói thầu đã được công khai trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, vì vậy lý do các nhà thầu nêu trên đưa ra không có sức thuyết phục, đặc biệt là tại gói thầu chỉ có 3 HSDT thì 2 hồ sơ chào vượt giá gói thầu. Với những gói thầu này, nhà thầu chào vượt giá gói thầu khó thoát khỏi nghi vấn làm “quân xanh” cho nhà thầu trúng thầu.