Theo nhiều nhà đầu tư BOT, việc triển khai ETC hiện nay chưa tính đến rủi ro của doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư BOT. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nảy sinh một số bất cập liên quan đến việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC, yêu cầu các doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh nội dung về ETC, ấn định phần trăm phải trích lại từ doanh thu BOT cho đơn vị vận hành ETC.
Rủi ro về tài sản thế chấp ngân hàng
Theo ông Đặng Văn Đại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (AVINA), việc triển khai ETC là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai ETC hiện nay có nhiều điểm trái với các thỏa thuận hợp pháp tại các hợp đồng BOT, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp giữa doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư với các bên liên quan.
Cụ thể, trong hợp đồng tín dụng dự án BOT, doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng thế chấp toàn bộ quyền tài sản cho ngân hàng cấp tín dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp dự án tại ngân hàng cho vay vốn. Vì vậy, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hợp đồng BOT buộc các doanh nghiệp ký phụ lục hợp đồng dự án BOT để bàn giao trạm thu phí cho đơn vị thu phí ETC quản lý, vận hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền quản lý, vận hành trạm thu phí của doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư, đẩy doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư vào việc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và phải gánh chịu các chế tài về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Các nhà đầu tư BOT cũng cho rằng, khi bàn giao trạm thu phí cho đơn vị thu phí ETC quản lý vận hành thì toàn bộ doanh thu chuyển vào tài khoản của ngân hàng tài trợ cho Dự án Thu phí tự động không dừng (hợp đồng BOO) trước khi chuyển về tài khoản của ngân hàng cho dự án BOT vay vốn là vi phạm các thỏa thuận hợp pháp của hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp dự án BOT, gây rủi ro đối với việc quản lý dòng tiền hoàn vốn của dự án. Do đó, việc bàn giao toàn bộ trạm thu phí và chuyển dòng tiền thu phí từ ngân hàng cho vay tín dụng các dự án BOT sang bên thứ ba bất kỳ cần có ý kiến của phía ngân hàng cho dự án BOT vay vốn.
Mặt khác, cách thức triển khai ETC hiện nay gây ảnh hưởng đến phương án trả nợ tại ngân hàng cho vay. Cụ thể, tỷ lệ trích doanh thu cho đơn vị thu phí ETC chưa có căn cứ cụ thể làm ảnh hưởng đến phương án tín dụng của các dự án BOT và chưa có sự thống nhất với nhiều doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư trước khi triển khai.
Nút thắt về công nghệ
AVINA cho biết, việc triển khai ETC trên thực tế chưa giải quyết được “nút thắt” về công nghệ. Cụ thể, việc kết nối giữa tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa được thực hiện. Chủ phương tiện phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông nhưng không được tính lãi. Đối với các trường hợp được miễn thu phí vẫn phải nộp tiền vào tài khoản trả trước, bị khấu trừ khi đi qua trạm và chỉ được hoàn trả trong thời hạn 15 ngày. Điều này khiến người sử dụng dịch vụ và các ngân hàng cho dự án BOT vay vốn không ủng hộ, vì tiền của người sử dụng dịch vụ bị chiếm dụng và ngân hàng cho vay cũng không được quản lý nguồn tiền thu phí của bên vay.
Theo đại diện Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang, một trong những bất cập lớn là dùng phương án tài chính của nhà đầu tư Dự án Thu phí tự động không dừng lập để áp đặt vào phương án tài chính của dự án BOT đã hoàn thành trước đó. Trong khi đó, phụ lục điều chỉnh hợp đồng BOT, nội dung ETC không có điều khoản nhà đầu tư BOO, ngân hàng cho vay dự án BOO có trách nhiệm bảo lãnh tiền cho nhà đầu tư BOT.
Theo lập luận của nhiều nhà đầu tư BOT, việc triển khai ETC hiện nay mới chỉ đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư BOO mà chưa tính đến các rủi ro của doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư BOT. Như mọi doanh nghiệp khác, các nhà đầu tư của Dự án Thu phí tự động không dừng hoàn toàn có quyền chuyển giao phần vốn của mình, vậy thì số phận của các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, ngân hàng cho vay dự án BOT sẽ như thế nào?