CEO thời 4.0

(BĐT) - Mọi cuộc cách mạng đều sẽ phá hủy các giá trị cũ và tạo ra các giá trị mới. Đây không phải dự báo nữa, mà đang là sự thực được kiểm chứng. Cùng với sự bắt đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, rất có thể sẽ tiếp tục có các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5, thứ 6 và cao hơn nữa. 
Các công ty đang nổi danh như Thế Giới Di Động, FPTshop được khuyến cáo phải dè chừng các công ty thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh
Các công ty đang nổi danh như Thế Giới Di Động, FPTshop được khuyến cáo phải dè chừng các công ty thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh

Tuy nhiên, điều không bao giờ thay đổi là với vai trò của CEO, bạn phải làm cho công ty tăng trưởng nhanh, liên tục và bền vững.

CEO 1.0 tới CEO 3.0

CEO 4.0 là gì? Định nghĩa này có thể gắn với đặc điểm của các nhà lãnh đạo tiêu biểu qua các cuộc cách mạng công nghiệp. CEO bản chất là một nhà lãnh đạo có nhiệm vụ làm cho công ty tăng trưởng nhanh. Bí quyết để tăng trưởng nhanh phụ thuộc vào CEO có khả năng tận dụng sức mạnh công nghệ trong mỗi giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp.

CEO 1.0 gắn với cuộc cách mạng liên quan tới phát minh ra động cơ hơi nước, đường sắt. Họ gắn với những nhà tài phiệt, ông chủ của những mỏ tài nguyên thiên nhiên, đường sắt… Kỹ năng CEO thường gắn chính trị trong việc chinh phục, xâm chiếm tài nguyên và mở mang các vùng đất mới. Những tên tuổi của thời kỳ này như John D. Rockefeller (vua dầu mỏ của Mỹ); Leland Stanford (đường sắt)…

CEO 2.0 gắn với những nhà lãnh đạo thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 với phát minh về tổ chức sản xuất tự động hóa, lắp ráp và sản xuất dây chuyền… và vai trò của CEO gắn với kỹ năng tổ chức sản suất theo quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động giản đơn. Kỹ năng chính của CEO giai đoạn này là tổ chức, quản lý, kiểm soát, đảm bảo sản xuất dây chuyền thực hiện tốt, nhân viên làm việc chăm chỉ, tuân thủ. Nhân vật điển hình trong giai đoạn này là Henry Ford, ông chủ của Tập đoàn xe hơi Ford, cũng là người phát minh ra quản lý sản xuất quy mô lớn thông qua dây chuyền lắp ráp.     

CEO 3.0 gắn với cuộc cách mạng công nghiệp về ứng dụng tự động hóa, điện tử và tin học. Kỹ năng CEO gắn với những vấn đề về quản lý chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng suất nhờ tin học hóa hoặc tự động hóa. Vai trò của sức mạnh, trí tuệ con người đã có trọng tâm hơn trong lãnh đạo. Chính vì vậy CEO phải có nhiều kỹ năng về lãnh đạo con người thay cho quản lý và kiểm soát. Những nhân vật điển hình trong giai đoạn này là Steven Jobs (Apple), Bill Gates (Microsoft)…

Và thế giới đang chuyển mình với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự thay đổi về công nghệ trong giai đoạn này, trên nền của cuộc cách mạng lần thứ 3, gắn với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (bigdata), người máy, in 3D, kết nối Internet và rất nhiều thứ nữa. Sự thay đổi lớn về công nghệ lần này chắc chắn sẽ sản sinh ra một thế hệ CEO mới, CEO 4.0. 

CEO thời 4.0 ảnh 1
Ông Hoàng Việt Hà
CEO 4.0 – họ là ai?

Năm 2016, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, những khái niệm đầu tiên về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được giới thiệu, sau đó được tung hô khắp mọi nơi. Chủ tịch Diễn đàn WEF, ông Klaus Schwab đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo các doanh nghiệp - có lẽ đa số thuộc thế hệ CEO 3.0 là: “Ai là đối thủ cạnh tranh trong tương lai?” và ông đã tự đưa ra câu trả lời: “Đó là những công ty đơn giản, trẻ, nhanh và được trang bị bởi công nghệ mới”.

Những định nghĩa về đặc điểm này, có lẽ đã phác họa chân dung của CEO 4.0. Họ là những CEO của các công ty được tổ chức “đơn giản”, “trẻ”, “nhanh” và được trang bị các “công nghệ mới”. Những gương mặt CEO mới tận dụng được tối đa sức mạnh công nghệ cuối 3.0 và đầu giai đoạn 4.0 đang nổi lên là Jeff Bezos, CEO của Amazon (thành lập năm 1994); Jack Ma, CEO của Alibaba (1999) và Mark  Zuckerberg, CEO của Facebook (2004). Đây là các công lớn nhất thế giới hiện nay và đều thành lập từ sau thời kỳ 9X.   

Jack Ma thậm chí có đưa ra một nhận định cho tương lai xa hơn, tới năm 2030, CEO trong giai đoạn này là 30-30-30 có nghĩa là tới năm 2030, tương lai sẽ thuộc về các công ty của những CEO dưới 30 tuổi, có khoảng 30 nhân viên và sở hữu công nghệ và phương thức kinh doanh mới.

Thay đổi nhanh hay chết từ từ    

Mọi cuộc cách mạng đều sẽ phá hủy các giá trị cũ và tạo ra các giá trị mới. Đây không phải dự báo nữa mà đang là sự thực được kiểm chứng. Tốc độ phá hủy các công ty cũ, già nua ngày càng nhanh và mạnh hơn. Nếu xem một thống kê về tăng trưởng lợi nhuận của tất cả các công ty thuộc danh sách Fortune 500, là tập hợp của 500 đế chế doanh nghiệp lớn nhất thế giới, trong vòng 15 năm gần đây có thể thấy là khoảng 40% trong số các công ty này đã bị phá sản, hoặc mua lại (ví dụ Nokia, Yahoo...); 35% số còn lại rơi vào trình trạng trì trệ có mức tăng trưởng xấp xỉ ngang hoặc thấp hơn mức độ bình quân của ngành, và chỉ có khoảng 25% là vẫn còn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với tốc độ bình quân của ngành.

Sự chuyển đổi này ở Việt Nam thế nào? Ví dụ theo bạn, ai là đối thủ cạnh tranh của VNPT? Phải chăng là Viettel hay FPT? Đây là các công ty hàng đầu về viễn thông ở Việt Nam. Họ có thương hiệu lớn, mạng lưới rộng, nhân sự hàng vạn người, lắm tiền, nhiều của và họ sẽ mãi ở vị trí duy nhất trên thị trường? 

Câu trả lời là không phải như vậy. Đối thủ của VNPT là các công ty như Zalo, Viber... Họ chính là các công ty đã và sẽ lấy đi toàn bộ dịch vụ nhắn tin, gọi thoại, các dịch vụ giá trị gia tăng khác của VNPT, Viettel… Ví dụ, Zalo có tới hơn 40 triệu thuê bao và số thuê bao này lớn hơn số thuê bao mobile của các nhà mạng lớn nhất hiện nay.

Tương tự như vậy, với các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV…, các công ty trẻ áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực Fintech có thể lấy toàn bộ các dịch vụ thanh toán của các ngân hàng truyền thống. Thế Giới Di Động, FPTshop đang nổi danh cũng hãy dè chừng các công ty thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Cũng tương tự như vậy, Uber và Grab có thể sẽ lấy đi toàn bộ dịch vụ taxi truyền thống… 

Định vị lại vai trò của CEO

Vậy vai trò của CEO trong kỷ nguyên 4.0 đang gặp phải những thách thức và cơ hội gì trong quản trị và điều hành công ty?

Đơn giản nhất có lẽ nên quay về với định nghĩa của Chủ tịch WEF về những công ty thành công trong tương lai, “đó là những công ty trẻ, nhanh, đơn giản và được trang bị bởi công nghệ mới”. Vì vậy, việc chuyển dịch công ty theo các định hướng trên có thể là sự bắt kịp với xu hướng của tương lai.

Đầu tiên, phải làm cho công ty trẻ. Thực tế, quá trình phát triển công ty sẽ làm cho những người sáng lập mặc dù có thể ngày càng thành công nhưng cũng sẽ ngày càng già đi. Làm cho công ty trẻ có nghĩa là duy trì, thúc đẩy và khơi thông ngọn lửa khởi nghiệp và tái khởi nghiệp trong công ty, từ đó luôn giữ vững được tính tiên phong trong hoạt động của công ty. Vấn đề phát triển nhân tài trở thành mấu chốt của quản trị. Nhiều công ty hiện chỉ còn biết nói tới tính “tiên phong” như là câu chuyện quá khứ.   

Thứ hai, làm cho công ty phản ứng nhanh với nhu cầu khách hàng. Khách hàng trong thế giới kết nối sẽ có rất nhiều nhu cầu, và mọi nhu cầu tưởng tượng vốn chỉ có trong thế giới cổ tích của họ đang được công nghệ mới đáp ứng. Sự ám ảnh về khách hàng sẽ giúp công ty có thể phản ứng nhanh với sự thay đổi và tạo ra các nhu cầu mới của khách hàng.   

Thứ ba, làm cho công ty thật đơn giản. Quá trình phát triển của công ty sẽ tạo ra sự phức tạp và sự phức tạp quay trở lại chính là kẻ thù âm thầm giết chết sự tăng trưởng. Công ty càng to, càng phức tạp và trong một công ty phức tạp sẽ không ai có thể làm cái gì đổi mới, đột phá, không ai xung kích, không ai dấn thân, mặc cho lãnh đạo hô hào.     

Thứ tư, thích ứng và trang bị công nghệ mới và hiện đại. Mặc dù công nghệ vốn được ca tụng là cây đũa thần, tuy nhiên nó lại đứng hàng cuối cùng về vai trò và sự quan trọng. Lý do là vì thiếu những điều kiện trên thì có công nghệ cũng chẳng làm được điều gì. Việc thích ứng nhanh chóng, ứng dụng công nghệ là điều bắt buộc để thay đổi.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư