Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Những phác thảo ban đầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có vai trò quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án đang được nghiên cứu đầu tư với mục tiêu sớm triển khai, hoàn thành.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến có chiều dài hơn 188 km. Ảnh St
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến có chiều dài hơn 188 km. Ảnh St

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án nói trên ban đầu được trình Thủ tướng Chính phủ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, Bộ GTVT đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) Dự án theo hình thức đầu tư công. Lý do chuyển đổi hình thức đầu tư, theo Bộ GTVT, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa, phát triển hạ tầng chiến lược. Đồng thời, do tính cần thiết, hiệu quả, Dự án được chuyển sang đầu tư công để đảm bảo sớm hoàn thành.

Bộ GTVT dự kiến Dự án có chiều dài hơn 188 km, tuyến đi thẳng từ khu vực cửa khẩu Châu Đốc, tỉnh An Giang vào trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối qua tỉnh Hậu Giang về cảng Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng, cách Quốc lộ 91 từ 10 - 20 km. Theo tính toán của tư vấn, phương án tuyến này tránh được khu dân cư đông đúc, tạo thêm không gian mới làm động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp trong vùng, tuyến thẳng và ngắn hơn khoảng 9 km, chi phí giảm khoảng 2.200 tỷ đồng so với hướng tuyến theo quy hoạch trước đây. Bộ GTVT đề xuất chia Dự án thành 6 dự án thành phần để chuẩn bị và triển khai đầu tư cùng thời điểm, cùng được bố trí vốn để triển khai theo kế hoạch nên sẽ hoàn thành đồng thời và khai thác đồng bộ toàn tuyến.

Ngày 7/3/2022, Hội đồng Thẩm định nhà nước BCNCTKT Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã tổ chức họp cho ý kiến về BCNCTKT. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng - nhấn mạnh, tầm quan trọng, ý nghĩa của tuyến đường đã rõ, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sớm triển khai. Bộ trưởng đề nghị làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tiến độ, tổng mức đầu tư và suất đầu tư; việc tham gia của các địa phương; chuyển đổi đất lúa, giải phóng mặt bằng tái định cư; phân chia các dự án thành phần; đánh giá tác động về môi trường; cơ chế đặc thù; rà soát lại một số nội dung nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về suất vốn đầu tư, suất đầu tư tổng hợp của Dự án (gồm cầu, đường, chi phí quản lý dự án và tư vấn) là 166,78 tỷ đồng/km, thấp hơn suất đầu tư đoạn Cần Thơ - Cà Mau mới được phê duyệt (khoảng 181 tỷ đồng/km).

Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn của Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 31.405 tỷ đồng (khoảng 70% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 13.619 tỷ đồng (khoảng 30% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030. Cụ thể, nhu cầu vốn giải ngân cho Dự án năm 2022 dự kiến là 100 tỷ đồng gồm chi phí tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn thẩm tra; năm 2023 dự kiến 9.449 tỷ đồng để giải ngân cho 80% chi phí giải phóng mặt bằng, 50% chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, thẩm tra, quản lý dự án và chi phí khác, tạm ứng khoảng 5% chi phí xây lắp; năm 2024 dự kiến 10.003 tỷ đồng giải ngân cho xây lắp, giải phóng mặt bằng, tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác. Năm 2025 dự kiến 11.853 tỷ đồng, năm 2026 dự kiến 8.470 tỷ đồng giải ngân cho xây lắp, tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác. Năm 2027 dự kiến 5.149 tỷ đồng giải ngân cho xây lắp và hoàn thành Dự án.

Về khả năng cân đối vốn, Bộ GTVT cho biết, theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT đã được Quốc hội thông qua, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 14.247 tỷ đồng; giai đoạn 2022 - 2023, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội bố trí cho Dự án khoảng 3.800 tỷ đồng, do đó giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 13.358 tỷ đồng cho Dự án. Bộ GTVT kiến nghị bố trí từ nguồn chưa phân bổ và nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước. Tùy theo khả năng cân đối nguồn vốn, phần còn thiếu sẽ chuyển tiếp trong giai đoạn 2026 - 2030.

Sau khi Dự án hoàn thành, Bộ GTVT dự kiến tổ chức thu phí thông qua hình thức nhượng quyền thu phí theo quy định của pháp luật, tương tự các dự án thành phần đầu tư công thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo Bộ GTVT, đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng.

Chuyên đề