Cao tốc Bắc - Nam thiếu 10 triệu m3 đất đắp: Cần địa phương vào cuộc gỡ khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù đã có nhiều quyết sách để tháo gỡ khó khăn về vật liệu đất đắp cho Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nhưng đến nay, vẫn thiếu khoảng 10 triệu m3 tại 9 trong số 11 dự án thành phần. Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, rất cần sự vào cuộc của các địa phương cùng bộ, ngành để giải quyết triệt để tình trạng thiếu hụt đất đắp.
Nhiều địa phương có cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua đang triển khai đồng loạt nhiều dự án lớn nên nguồn cung vật liệu đất đắp phải san sẻ cho nhiều công trình. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Nhiều địa phương có cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua đang triển khai đồng loạt nhiều dự án lớn nên nguồn cung vật liệu đất đắp phải san sẻ cho nhiều công trình. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu hụt và khan hiếm vật liệu đất đắp phục vụ thi công các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ đã tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Sau khi hai nghị quyết được ban hành, số lượng mỏ đủ điều kiện khai thác/tổng số mỏ điều chỉnh từ 79/178 thành 80/189 mỏ, có 7 mỏ nâng công suất khai thác và hiện chưa áp dụng quy định không đấu giá quyền khai thác (chưa giao mỏ cho nhà thầu/nhà đầu tư).

Trong số 23 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường bị thiếu hụt toàn Dự án (gồm 15,8 triệu m3 tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu m3 nằm tại mỏ đã cấp phép khai thác nhưng chưa được giải phóng mặt bằng, cự ly vận chuyển quá xa) thì đến nay đã giải quyết được khoảng 13 triệu m3, còn thiếu khoảng 10 triệu m3 đất đắp nằm rải rác ở 9 dự án thành phần, cần phải tháo gỡ kịp thời để đảm bảo tiến độ Dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số đại diện nhà thầu, nhà đầu tư đang triển khai các đoạn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam cho biết, chính sách của Chính phủ thời gian qua đã giúp địa phương có giải pháp nâng công suất khai thác các mỏ và tăng nguồn cung vật liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc. Tuy nhiên, các mỏ cấp phép mới nằm ngoài phạm vi Dự án vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản như: cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác, thuê đất... Thời gian thực hiện thủ tục cần từ 8 - 12 tháng nên việc bổ sung nguồn cung vật liệu đất đắp cho cao tốc Bắc - Nam từ các mỏ mới cấp phép vẫn còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương có cao tốc đi qua đang triển khai đồng loạt nhiều dự án lớn nên nhu cầu vật liệu đất đắp ở mức cao, nguồn cung phải san sẻ cho nhiều công trình. Không ít đơn vị cung cấp cũng đầu cơ, tích trữ, tăng giá vật liệu đất đắp nên nhà thầu thi công cao tốc vẫn gặp khó khăn. Nếu địa phương không “dốc sức” để cắt giảm thủ tục hành chính cấp phép khai thác mỏ, không có giải pháp ngăn chặn tình trạng “sang tải” nguồn cung cho cao tốc Bắc - Nam sang các dự án khác, giảm thiểu tình trạng đầu nậu... thì không thể giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu đất đắp cho Dự án.

Theo ý kiến chuyên gia, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn về vật liệu đất đắp cho cao tốc, nhưng vai trò và trách nhiệm của các địa phương có Dự án đi qua là rất quan trọng. Địa phương cần ưu tiên thực hiện giao mỏ đất cho nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện, bảo đảm dồn nguồn cung vật liệu đất đắp thi công các đoạn tuyến cao tốc. Hiện nay, thủ tục cấp phép mỏ đang bị kéo dài do liên quan đến nhiều ban, ngành của địa phương, vì vậy cần đơn giản hóa quy trình thủ tục. Đơn cử, thay vì lấy ý kiến riêng lẻ, lần lượt của các cấp ban ngành, có thể tổ chức hội nghị bàn tròn đưa ra quyết sách chung, làm như vậy thì mới rút ngắn thời gian cấp phép mỏ vật liệu.

Chuyên đề