Vì sao chậm hoàn tất bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc - Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có nhiều văn bản đôn đốc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao cho nhà thầu thi công các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 10,46 km chưa được bàn giao mặt bằng. Đây là nút thắt cuối cùng trong công tác GPMB của đại dự án cao tốc này.
Một trong các vướng mắc ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Một trong các vướng mắc ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Bộ GTVT cho biết, công tác GPMB các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019. Đến nay đã hoàn thành và bàn giao khoảng 645,3 km, còn khoảng 10,46 km chưa bàn giao (tương đương khoảng 1,6%). Tổng diện tích đất đã thu hồi là 4.914 ha trong tổng số 4.991 ha cần giải tỏa; đã có 28.771 hộ dân nhận tiền đền bù trong tổng số 29.183 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong số các hộ dân phải thu hồi đất, có 3.223 hộ dân phải bố trí tái định cư tại 111 khu tái định cư (gồm 83 khu tái định cư xây dựng mới và 28 khu đã có sẵn). Đến nay, đã hoàn thành 77 khu tái định cư xây dựng mới, đạt 93%; đang thi công 5 khu tái định cư, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Riêng 1 khu tái định cư thuộc Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang tiến hành lựa chọn nhà thầu, hiện địa phương đã bố trí tạm cư cho các hộ dân.

Theo đánh giá, mặc dù khối lượng chưa GPMB chỉ chiếm khoảng 1,6% nhưng ảnh hướng lớn đến tiến độ của các dự án. Vướng mắc chủ yếu là chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông) và xây dựng các khu tái định cư. Hiện nay, các địa phương có Dự án đi qua mới hoàn thành di dời 404/737 vị trí đường điện (đạt khoảng 55%); 24.559 m trong tổng số 40.232 m đường ống nước các loại (đạt 61%), 57.535 m trong tổng số 91.828 m cáp viễn thông (đạt khoảng 63%).

Hiện còn tới 7/11 dự án thành phần chưa hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai). Trong đó, Dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn có nguy cơ phải kéo dài thời gian hoàn thành sang năm 2022 (kế hoạch hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2021).

Bên cạnh đó, 3 dự án thành phần chưa hoàn thành xây dựng khu tái định cư: Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Đồng Nai. Một số dự án thành phần (đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết) còn vướng mắc cục bộ do nhiều nguyên nhân như tranh chấp, chủ hộ đang ở nước ngoài, người dân khiếu kiện về đơn giá, chính sách bồi thường, tái lấn chiếm mặt bằng hoặc đã nhận tiền bồi thường nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng.

Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 trải dài trên địa bàn 13 tỉnh, đi qua nhiều vùng đất có nguồn gốc phức tạp; công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ trong GPMB còn hạn chế nên một bộ phận người dân chưa đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ, đặc biệt là giá bồi thường. Điều này dẫn tới chậm trễ trong công tác GPMB. Bên cạnh đó, công tác giải quyết thắc mắc, khiếu kiện của người dân trong diện phải thu hồi đất còn chậm nên gây mất trật tự, an ninh tại một số dự án thành phần như Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây.

Chuyên đề