Ảnh minh họa: Internet |
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa đang rất lo lắng.
Cảnh báo nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 6 tháng đầu năm nay ước đạt 13,415 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ 2017. Đặc biệt, xuất khẩu tăng đều ở các thị trường.
Tuy nhiên, các dự báo kinh tế đưa ra gần đây cho thấy, những tháng cuối năm nay, ngành dệt may sẽ đối mặt với một số khó khăn như: Chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước; cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề khiến các DN thuộc ngành dệt may có xu hướng đầu tư thiết bị hiện đại, giảm bớt lao động; tình hình nguyên phụ liệu biến động khi giá bông có xu hướng tăng nhẹ.
Đặc biệt, đầu tháng 7 này, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra có nguy cơ tác động đến ngành dệt may Việt Nam. Lo ngại về tác động của cuộc chiến này, đại diện Tổng công ty May 10 nhận định, dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều. Lý do là nguyên liệu đầu vào của ngành nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi hàng dệt may Trung Quốc không xuất được sang Mỹ, nhiều khả năng lượng hàng hóa này sẽ dịch chuyển sang các nước bên cạnh, trong đó có Việt Nam, để có xuất xứ mới rồi xuất sang Mỹ. Hơn nữa, khi hàng dệt may Trung Quốc vào Việt Nam, cạnh tranh gay gắt với thị trường nội địa sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến giá nguyên liệu và cả các đơn hàng.
Trả lời báo chí mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam không giấu được lo lắng: “Điều tôi lo nhất là Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để có giá sản phẩm tốt hơn, cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam”.
Ngược lại, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên - một DN xuất khẩu dệt may lớn - lại cho rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ không bị tác động bởi cuộc chiến thương mại này. Thậm chí, theo ông Dương, trong cuộc chiến này, ngành dệt may của Việt Nam sẽ có lợi, bởi khi Mỹ áp thuế với hàng dệt may Trung Quốc, chúng ta sẽ nhập được nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc.
Cân bằng và mở rộng thị trường
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến khó lường, khó định đoán thời gian kết thúc. Thậm chí, trong vài ngày gần đây, căng thẳng này leo thang nên nhiều khả năng sẽ tác động không nhỏ đến DN sản xuất.
“Nhiều khả năng khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu thương mại của các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam”, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định và cho rằng, nếu DN Việt Nam không thức tỉnh về xuất xứ hàng hóa, trong đó có hàng dệt may, thì khả năng tồn tại trong cuộc chiến này là rất khó khăn.
Về giải pháp ứng phó của ngành dệt may với những tác động của cuộc chiến này, theo ông Khôi, điều quan trọng là chúng ta phải đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan để ngăn chặn hàng kém chất lượng từ Trung Quốc tràn vào. Bên cạnh đó, ngăn chặn gắt gao hàng biên mậu Trung Quốc gắn mác Việt Nam để xuất khẩu…
Đại diện Tổng công ty May 10 cho rằng, điều quan trọng nhất với các DN dệt may là phải đa dạng thị trường để không phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường lớn nào. Việt Nam đang thực hiện khoảng 10 hiệp định thương mại tự do. Các hoạt động sản xuất của ngành dệt may phải bảo đảm sự phát triển bền vững của các thị trường này. Cùng với đó, các DN cần đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm các chi phí bất hợp lý.
Về phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Giang cho biết, Hiệp hội đang theo dõi sát diễn biến cuộc chiến này để khuyến cáo các DN những giải pháp phù hợp, chỉ nhập khẩu những nguyên liệu có thể mang lại hiệu quả và tránh nhập khẩu những nguyên liệu có rủi ro cao, dù giá rẻ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho hay, Bộ sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp để hỗ trợ DN nội địa, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, nhanh chóng chuyển sang phương thức gia công hiện đại đáp ứng yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa…