Cân nhắc gỡ nợ cho bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Doanh nghiệp bất động sản muốn được tái cơ cấu, giãn nợ để hỗ trợ thanh khoản, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, cách thức hỗ trợ này có thể gây rủi ro cho các ngân hàng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. Do đó, các quyết định tháo gỡ khó khăn về nợ trong lĩnh vực bất động sản cần được cân nhắc theo từng dự án, từng trường hợp.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 - 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 - 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng của lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 là 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,7% so với cuối năm 2021, mức cao nhất trong 5 năm qua với tỷ lệ nợ xấu 1,81%, cao hơn tỷ lệ 1,67% cuối năm 2021.

Dù vây, các doanh nghiệp bất động sản cho biết vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn và thanh khoản.

Tại cuộc làm việc với NHNN sáng 8/2/2023, bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc Tập đoàn Novaland cho biết, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, Novaland đề nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24 - 36 tháng.

Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, gia hạn nợ là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp. Trong trường hợp NHNN không có chính sách quyết liệt và hỗ trợ trong việc cơ cấu lại nhóm nợ thì đến một thời điểm nào đó, câu chuyện “nhảy” nhóm nợ có thể xảy ra.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 - 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua. Bởi vậy, doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, thiếu thanh khoản nghiêm trọng, có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.

“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản là tiếp cận tín dụng mới và việc “nhảy” nhóm nợ. Chúng tôi chịu được mức lãi suất cho vay khá cao hiện nay, nhưng vấn đề là phải tiếp cận được vốn mới. Doanh nghiệp có nợ xấu thì dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới. Do đó, cần có chính sách cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới nếu có tài sản bảo đảm để vượt qua thời điểm khó khăn”, ông Châu nhấn mạnh.

Đại diện cho các ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho các dự án, phương án vay vốn khả thi. Khi doanh nghiệp bất động sản khó khăn thì cần xem xét từ nhiều khía cạnh, bao gồm cả các ách tắc về pháp lý dẫn đến việc triển khai dự án và bán hàng gặp khó khăn.

“Việc tái cơ cấu khoản nợ đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp đã được áp dụng với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 thời gian trước. Nhưng hiện nay, không chỉ bất động sản khó khăn, các lĩnh vực khác cũng khó khăn, cần có giải pháp xem xét tổng thể và đồng bộ. Các ngân hàng cần bàn với doanh nghiệp để tìm được giải pháp phù hợp trên tinh thần hợp tác, từ đó kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ pháp lý thì hoạt động tái cơ cấu nợ mới hiệu quả. Nếu chỉ tái cơ cấu mà hàng vẫn không bán được do ách tắc pháp lý thì không có ý nghĩa”, ông Hùng nhấn mạnh.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh tại cuộc làm việc với khối doanh nghiệp bất động sản: “Việc cơ cấu nợ là rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Nếu triển khai chính sách này, các doanh nghiệp khác, ngành khác như du lịch, hàng không… cũng sẽ yêu cầu cơ chế tương tự. Bất động sản cũng chưa phải là đối tượng ưu tiên cấp tín dụng, nên đề xuất này là rất khó, nhưng NHNN sẽ tiếp thu và nghiên cứu”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, bất động sản dù là ngành quan trọng, nhưng chỉ là một trong rất nhiều ngành kinh tế. Rủi ro nợ xấu của thị trường này sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến hệ thống ngân hàng, từ đó ảnh hưởng cả kinh tế vĩ mô. Do đó, việc gỡ khó về nợ cho bất động sản phải hết sức cân nhắc. “Cần xem xét từng trường hợp, dự án để chọn lọc cách thức hỗ trợ hiệu quả. Chẳng hạn, việc đánh giá mức độ rủi ro của nợ xấu thực hiện theo nguyên tắc chung nhưng trong thời điểm này cần có sự linh hoạt nhất định theo từng dự án. Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản làm việc cùng nhau vì lợi ích của cả hai bên”, ông Thành nhấn mạnh.

Mặt khác, theo ông Thành, các bất cập của thị trường này có nguyên nhân từ cả những vấn đề mang tính trung và dài hạn, đó là, phát triển các phân khúc bất động sản phù hợp, thị trường vốn… Dù là vấn đề trung và dài hạn nhưng cần xử lý ngay chứ không có nghĩa là chờ 10 năm nữa mới làm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cần được xem xét trong cân đối chung với các ngành khác. Nếu thực hiện, giải pháp này cần gắn với một số điều kiện cụ thể, chẳng hạn, yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có phương án cơ cấu mạnh mẽ, thay đổi quản trị điều hành, có phương án xử lý trái phiếu đáo hạn, tức là bản thân doanh nghiệp bất động sản phải rất quyết liệt và thiện chí.

Chuyên đề