Cải tạo hạ tầng đô thị để TP.HCM bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau giai đoạn dài gần như “ngưng trệ” đầu tư cải tạo hạ tầng đô thị do vướng mắc cơ chế, TP.HCM đang có bước chạy đà ngoạn mục khi đã và đang triển khai loạt dự án trọng điểm. Nhờ chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, bộ mặt đô thị của Thành phố sẽ được chỉnh trang hiện đại, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường sống cho người dân.
Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã và đang mang lại đời sống mới cho hàng triệu người dân TP.HCM. Ảnh: Anh Tú
Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã và đang mang lại đời sống mới cho hàng triệu người dân TP.HCM. Ảnh: Anh Tú

Bộ mặt đô thị cải thiện mỗi ngày

TP.HCM là một siêu đô thị với khoảng 10 triệu dân, nhu cầu về hạ tầng và nguồn vốn xây dựng hạ tầng là rất lớn. Giai đoạn 2020 - 2025 được xem là dấu mốc quan trọng với TP.HCM khi đặt mục tiêu chỉnh trang đô thị là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đặc biệt là di dời nhà tạm ven kênh rạch. Mục tiêu cụ thể là hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà tạm trên và ven kênh, rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến là 19,28 nghìn tỷ đồng, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị và tổ chức lại cuộc sống cho người dân. Để thực hiện nhiệm vụ này, Thành phố đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.

Thông tin mới nhất từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu Gói thầu TV-11 Tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu: TV-12, TV-13, TV-14, TV-15, PTV-01, PTV-02, PTV-03, XL-01, XL-02, XL-03. Trước đó, Gói thầu Xác định giá đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (xác định giá đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) thuộc Dự án cũng đã hoàn tất. Theo kế hoạch, trong quý II - III/2024, công tác trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu, mời thầu các gói thầu xây lắp sẽ được thực hiện để lựa chọn các đơn vị thi công Dự án.

Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) có tổng mức đầu tư hơn 9.664 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 6.600 tỷ đồng; hơn 3.000 tỷ đồng thực hiện các gói thầu xây lắp với chiều dài 6,6 km và 3 tuyến rạch nhánh (Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) có chiều dài hơn 2,2 km. Dự án nhằm mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại rạch Xuyên Tâm; thoát nước, chống ngập cho khu vực; kết nối giao thông cục bộ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến; thu gom rác thải về nhà máy xử lý tập trung của Thành phố, kết nối vào hệ thống cống của Dự án Vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè để dẫn về Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn 6.600 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các hạng mục liên quan đến GPMB, chuẩn bị đầu tư.

Diện mạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sau khi được hồi sinh. Ảnh phối cảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM

Diện mạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sau khi được hồi sinh. Ảnh phối cảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM

Gần như đồng thời, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi, Quận 8. Dự án này được HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12/2023 với tổng mức đầu tư 4.930 tỷ đồng, khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Đến nay, TP.HCM đã tổ chức lựa chọn nhà thầu, triển khai các công việc trình thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và phối hợp với UBND Quận 8 thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo tiến độ hiện nay, Dự án có thể hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện khởi công vào tháng 12/2024. Với dự án này, có 1.571 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó, có 1.005 trường hợp ảnh hưởng toàn bộ và 566 trường hợp ảnh hưởng một phần. Hiện UBND Quận 8 đã dự thảo phương án chính sách bồi thường để lấy ý kiến góp ý.

Sau kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với tổng chiều dài gần 32 km, tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng đã và đang mang lại đời sống mới cho hàng triệu người dân TP.HCM. Những dòng kênh được xanh hóa, kè kiên cố thay thế những dòng kênh đen kịt, ô nhiễm, hôi thối cùng hình ảnh các căn nhà nát tạm bợ. Nếu khép kín cả rạch Xuyên Tâm, Kênh Đôi, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Bến Cát - Tham Lương - rạch Nước Lên, TP.HCM trong thời gian tới sẽ được bao bọc bởi những dòng kênh xanh mát, hiền hòa, tạo sinh khí mới với diện mạo văn minh, hiện đại. Để thực hiện được nhiệm vụ to lớn này, TP.HCM ưu tiên nguồn lực đầu tư trích từ tỷ lệ giữ lại của ngân sách dồn cho chỉnh trang đô thị theo chính sách đặc thù.

TP.HCM ưu tiên nguồn lực đầu tư chỉnh trang đô thị theo chính sách đặc thù. Ảnh: Lê Tiên

TP.HCM ưu tiên nguồn lực đầu tư chỉnh trang đô thị theo chính sách đặc thù. Ảnh: Lê Tiên

Tận dụng triệt để cơ chế đặc thù

Trong 4 địa phương triển khai Dự án Vành đai 3 TP.HCM, có thể nói, TP.HCM là địa phương về đích sớm nhất trong khâu GPMB. Để có được kỳ tích này, Thành phố đã vận dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh các khâu, tạo sự đồng thuận rất lớn của người dân trong phạm vi dự án. Theo đó, Thành phố chủ động tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) GPMB của các dự án thành phần theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến) để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) GPMB được phê duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư. Nhờ được chủ động giao quyền, TP.HCM đã đưa tỷ lệ đất sạch bàn giao thi công lên tới hơn 90% vào thời điểm khởi công dự án.

Từ điểm sáng này, TP.HCM đã và đang đề xuất với Bộ Xây dựng để áp dụng cơ chế GPMB đặc thù với loạt dự án trọng điểm khác. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, Dự án Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (kết nối Quận 1, Quận 4 và Quận 7) có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng dự kiến khởi công trong quý IV/2024 là dự án tiếp theo áp dụng cơ chế GPMB đặc thù này (tách thành dự án riêng, tiến hành phê duyệt ranh và triển khai trước). Nhờ đẩy nhanh tiến độ GPMB, dự kiến cuối tháng 10/2024, hồ sơ mời thầu sẽ sẵn sàng được phát hành để lựa chọn nhà thầu.

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, Dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ngay sau khi được Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền theo cơ chế từ Nghị quyết số 98/2023/QH15. Đây là động thái giúp đẩy nhanh công tác GPMB vốn trì trệ nhiều năm tại dự án này. Khơi thông điểm nghẽn về mặt bằng thông qua các cơ chế đặc thù sẽ giúp TP.HCM cải thiện nhanh hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hoàn thành loạt dự án trọng điểm theo đúng kế hoạch.

TS. Trần Du Lịch kỳ vọng, TP.HCM sẽ nỗ lực tận dụng mọi lợi thế của Nghị quyết số 98/2023/QH15 để lấy lại vị thế, sức cạnh tranh, đồng thời xứng đáng là điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới khi chọn Việt Nam để đầu tư.

Chuyên đề