Yêu cầu đối với quy trình sản xuất và chi phí vòng đời của sản phẩm cũng là một trong những tiêu chí để các cơ quan công quyền của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định tại các Chỉ thị 2014/24/EU và Chỉ thị 2014/25/EU.
Yêu cầu đối với quy trình sản xuất
Cơ quan công quyền có thể xem xét tất cả các yếu tố của quá trình sản xuất, cung cấp, kinh doanh, kể cả trường hợp những yếu tố này không cấu thành nên sản phẩm, cụ thể:
(i) Với yêu cầu về kỹ thuật liên quan đến hàng hóa, dịch vụ được mua sắm, cơ quan công quyền có thể yêu cầu doanh nghiệp không sử dụng các hóa chất độc hại, hoặc phải sử dụng máy móc tiết kiệm năng lượng;
(ii) Cơ quan công quyền có thể quyết định trao hợp đồng cho doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong điều kiện tốt nhất, ví dụ như các sản phẩm có nguồn gốc thương mại công bằng;
(iii) Cơ quan công quyền có thể đánh giá hiệu quả sử dụng đồng tiền trên cơ sở các khía cạnh về môi trường, ví dụ như in sách trên giấy tái chế hoặc giấy làm từ gỗ được khai thác bền vững.
Chi phí liên quan đến môi trường và chi phí xử lý chất thải là các loại chi phí vòng đời của sản phẩm để các cơ quan công quyền của EU đánh giá hồ sơ dự thầu
Chi phí vòng đời của sản phẩm
Các quy định mới của EU thúc đẩy cách tiếp cận về chi phí vòng đời của sản phẩm. Chi phí vòng đời của sản phẩm là tổng chi phí phát sinh từ khi một công trình, hàng hóa, dịch vụ đi vào hoạt động đến khi thanh lý, bao gồm chi phí nội bộ và các chi phí liên quan đến môi trường, trong đó:
- Chi phí nội bộ gồm các chi phí cho nghiên cứu và phát triển, sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ năng lượng, bảo trì và cuối cùng là thanh lý;
- Chi phí liên quan đến môi trường là chi phí xử lý chất thải, khí nhà kính thải ra môi trường từ những nguyên liệu dùng để sản xuất sản phẩm, từ chính sản phẩm, hoặc quá trình sản xuất ra sản phẩm. Tuy nhiên, các chi phí liên quan đến yếu tố môi trường chỉ có thể được tính đến khi những chi phí này là xác định và có thể xác minh được.
Nếu các phương pháp chung của EU không đủ để tính được chi phí vòng đời của sản phẩm, thì các quốc gia, các địa phương có thể tự quy định phương pháp riêng. Tuy vậy, những phương pháp này phải: (i) được áp dụng chung, chứ không chỉ dành riêng cho thủ tục mua sắm công; (ii) bảo đảm tính khách quan; và (iii) các dữ liệu cần thiết mà doanh nghiệp phải cung cấp để tính toán là hợp lý, không ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
ThS. Tào Thị Huệ
Bộ môn Pháp luật thương mại hàng hóa và dịch vụ quốc tế
Trường Đại học Luật Hà Nội