Các ngân hàng trung ương "chạy đua" tăng lãi suất trong tháng 6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong tháng 6, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã thực hiện số lần tăng lãi suất hàng tháng nhiều nhất từ đầu năm đến nay, đồng thời đưa ra những cảnh báo sẽ thắt chặt hơn nữa khi các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn để giành ưu thế trong cuộc chiến chống lạm phát.

Dữ liệu của Reuters cho thấy, 7 trong số 9 ngân hàng trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất đã tăng lãi suất trong tháng 6, trong khi 2 ngân hàng trung ương quyết định giữ nguyên lãi suất.

Cả ngân hàng trung ương của Na Uy và Anh gây bất ngờ cho thị trường vào tháng trước với mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, lớn hơn dự kiến; trong khi Canada và Úc tiếp tục tăng lãi suất như dự kiến. Thụy Điển, Thụy Sỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng thắt chặt chính sách, nâng tổng điểm tăng lãi suất lên 225 điểm cơ bản vào tháng trước.

"Mặc dù một số ngân hàng trung ương đang nhìn thấy tiến triển ban đầu đối với lạm phát thấp hơn, nhưng nhìn chung các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục phải đối mặt với một hành động cân bằng khó khăn. Nếu không có chính sách tài khóa sẵn sàng để cứu nguy, chúng ta sẽ thấy một môi trường tăng trưởng không chắc chắn hơn với những rủi ro giảm giá đang gia tăng theo chu kỳ", Tiffany Wilding, chuyên gia kinh tế tại PIMCO cho biết.

Mặc dù việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 không gây ngạc nhiên, nhưng triển vọng "diều hâu" từ ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới này đã gây chấn động khắp các thị trường.

Trong số các thị trường mới nổi, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chu kỳ thắt chặt đang dần đi đến hồi kết. Cụ thể, 13 trong số 18 ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi đã có các cuộc họp ấn định lãi suất vào tháng trước. Trong đó, có 11 ngân hàng trung ương đã chọn giữ nguyên lãi suất.

Tổng số lần tăng lãi suất trong năm nay trên khắp các thị trường mới nổi là 22 lần tăng với 1.375 điểm cơ bản - chưa bằng 1/5 trong số 7.425 điểm cơ bản của các biện pháp thắt chặt được đưa ra vào năm 2022.

Chuyên đề