Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Phản ứng nhanh, thực thi chậm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo một số chuyên gia, những chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân ứng phó với dịch Covid-19 chưa được thực hiện hiệu quả.
Doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề
nhất từ dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Do đó, trước mắt cần thực hiện quyết liệt hơn nữa các chính sách này, rồi mới tính tới các giải pháp, chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Báo cáo “Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam” (Rim-2020) vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) thực hiện cho thấy, các hộ gia đình dễ tổn thương bị giảm thu nhập đáng kể, dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập. Các hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ phải cắt giảm hoạt động, giảm số lượng người lao động do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đầu ra và những gián đoạn trong cung ứng đầu vào…

Cụ thể, DN ngành chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 4 tháng đầu năm, sau đó là sự tê liệt của các ngành dịch vụ. Kể từ tháng 5, các ngành dịch vụ bắt đầu phục hồi, trong khi ngành chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu toàn cầu suy yếu, các đơn đặt hàng mới khan hiếm hơn. Triển vọng kinh doanh cho tới hết năm của DN chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ xuất khẩu được Rim-2020 dự báo là sẽ tiếp tục ảm đảm.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Chính phủ đã nhìn thấy và tiên lượng được những tác động nặng nề của Covid-19 và đã có giải pháp nhanh, kịp thời bằng các chính sách, gói hỗ trợ khá toàn diện. Tuy nhiên, các phản ứng nhanh, kịp thời này chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Theo ông Tú Anh, tính tới ngày 31/6, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mới giải ngân được 18,2%. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ DN tại Nghị quyết số 84/2020/NQ-CP được ban hành tháng 5/2020, nhưng tới đầu tháng 7/2020, nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan… vẫn chưa có kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết này.

Ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á nhấn mạnh, Việt Nam và thế giới vẫn đang ở trong làn sóng đầu tiên của dịch Covid, trong giai đoạn ứng phó với dịch nên chưa thể tính tới các giải pháp, chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hình chữ V là không có khả năng xảy ra. Do vẫn trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh nên các giải pháp cho kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020, thậm chí năm 2021 vẫn sẽ là những chính sách hỗ trợ ở cấp độ mạnh mẽ hơn nữa cho người dân và DN.

Về giải pháp đầu tư công trong “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Cường cho rằng, bên cạnh việc ưu tiên các công trình đầu tư công lớn, giá trị giải ngân tốt, cần chú ý tới các dự án đầu tư công tạo được việc làm và thu nhập ngay lập tức cho những người dễ bị tổn thương nhất. Những đối tượng này phần nhiều là lao động di cư, lao động phi chính thức, các hộ gia đình hoặc các DN siêu nhỏ. Nếu để các DN nhỏ và siêu nhỏ đóng cửa hàng loạt sẽ tác động tiêu cực dài hạn, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Đồng thuận với quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các chính sách để “cấp cứu” cho nền kinh tế đã có, vấn đề là phải tiếp tục thực thi và thực thi quyết liệt hơn nữa. Đối với các chính sách dành cho DN, Chính phủ cân nhắc bổ sung thêm chính sách giảm thuế, giãn thuế, thậm chí có những đề xuất miễn phí công đoàn (2%) cho DN ít nhất trong năm nay. “Phí công đoàn đối với những DN thâm dụng lao động có thể hỗ trợ cho các DN hàng chục tỷ đồng, một con số lớn và ý nghĩa…”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo ông Thành, khả năng kinh tế có thể trở lại bình thường và phục hồi trong năm 2021 là rất khó khăn. Sắp tới, nếu Chính phủ có xây dựng một gói kích thích kinh tế thì sẽ phải áp dụng từ năm 2021 trở đi. Gói này sẽ tiếp tục thực thi các giải pháp, chính sách chống đỡ với dịch Covid-19, ngoài ra cũng chuẩn bị cho phục hồi tăng trưởng. Sự phục hồi này phải gắn với quá trình tái cấu trúc, cải cách, bám theo những xu hướng mới của thế giới về tiêu dùng, lối sống, chuyển dịch đầu tư, đổi mới sáng tạo, công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số.

Chuyên đề