Các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất ASEAN tiếp tục cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo dữ liệu Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global, các nhà sản xuất ASEAN tiếp tục chứng kiến sự cải thiện mạnh mẽ của số lượng đơn đặt hàng mới vào cuối quý II. Sản lượng cũng tăng, trong khi việc làm tăng trở lại lần đầu tiên trong ba tháng. Tuy nhiên, các thành viên nhóm khảo sát tiếp tục ghi nhận giá hàng hóa đầu vào tăng trong tháng 6. Trên thực tế, tốc độ tăng của cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều nhanh hơn so với tháng trước.

Chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN đạt 51,7 điểm trong tháng 6/2024, nằm trên ngưỡng trung bình 50 điểm và không thay đổi so với tháng 5/2024. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện nhẹ lần thứ sáu trong 6 tháng.

Trong tháng 6/2024, sản lượng ngành sản xuất tiếp tục chuỗi tăng bắt đầu từ tháng 10/2021. Tốc độ tăng trưởng là mạnh, mặc dù vẫn yếu hơn so với mức cao của 13 tháng trong tháng 5/2024.

Số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất ASEAN đã tăng tháng thứ tư liên tiếp. Dữ liệu chỉ số cho thấy, mức tăng tổng thể chủ yếu có được là nhờ nhu cầu trong nước khi xuất khẩu tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu từ tháng 6/2022. Tốc độ giảm đã nhanh hơn sau kỳ khảo sát tháng 5/2024 và trở thành mức nhanh nhất trong 19 tháng.

Cùng với sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng mới, lượng công việc tồn đọng đã tăng tháng thứ tư liên tiếp do tiếp tục có áp lực đối với năng lực sản xuất. Để đối phó, các công ty đã tăng số lượng nhân viên lần đầu trong 3 tháng, mặc dù mức tăng là nhẹ.

Gánh nặng chi phí tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ kỳ khảo sát tháng 2. Tình trạng tăng cũng xảy ra với giá bán hàng, và tốc độ tăng giá đã nhanh hơn tháng thứ ba liên tiếp.

Hoạt động mua hàng tăng tháng thứ tám liên tiếp với tốc độ tăng trong tháng 6/2024 là vừa phải. Hàng tồn kho trước sản xuất cũng tăng, mặc dù tốc độ tăng đã giảm bớt so với kỳ khảo sát trước. Tương tự như trong tháng 5/2024, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã bị kéo dài.

Hàng lưu kho thành phẩm đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2021 khi một số nhà sản xuất hàng hóa ASEAN đã dùng hàng trong kho để đáp ứng các đơn đặt hàng.

Cuối cùng, các nhà sản xuất ASEAN vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng, và niềm tin kinh doanh gần như ngang bằng với mức của tháng 5.

Bình luận về dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN, Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Ngành sản xuất ASEAN có các điều kiện hoạt động tiếp tục cải thiện khi bước vào thời điểm giữa năm. Nhu cầu khách hàng tiếp tục mạnh hơn, từ đó hỗ trợ đà tăng trưởng vững chắc của sản lượng sản xuất và hoạt động mua hàng. Hơn nữa, việc làm được ghi nhận tăng lần đầu tiên trong 3 tháng. Về giá cả, gánh nặng chi phí và giá cả đầu ra đã tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 6/2024, và tốc độ tăng giá tiến gần hơn tới mức trung bình dài hạn của các chỉ số giá tương ứng".

Theo bà Maryam Baluch, các chỉ số giá cả của PMI sẽ cần được theo dõi chặt chẽ trong nửa cuối năm. Áp lực lạm phát gia tăng có thể khiến lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương sẽ neo ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Chuyên đề