Gói thầu thiết bị Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa: Tìm đâu hàng hóa tương đương?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ sau 2 tuần phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), Gói thầu Cung cấp và lắp đặt trang thiết bị khối văn phòng, khối phòng học, khối thể dục thể thao và đào tạo kỹ năng sống thuộc Dự án Xây dựng Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa phát sinh hàng chục văn bản làm rõ, kiến nghị về các tiêu chí bất cập tại HSMT. Đến nay, có tiêu chí đã được Bên mời thầu tiếp thu, điều chỉnh, song có những tiêu chí vẫn được bảo lưu.
Phối cảnh Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa
Phối cảnh Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa

Gói thầu có giá dự toán 22,988 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 13/6 - 1/7/2024. Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, Công ty CP Tư vấn T27 là tư vấn lập HSMT.

Theo kiến nghị của nhiều nhà thầu, đối với thiết bị “màn hình trình chiếu 65 inch”, HSMT liệt kê quá chi tiết thông số kỹ thuật của sản phẩm, khiến nhà thầu bị hạn chế về sản phẩm chào thầu. Cụ thể, HSMT quy định thiết bị này đáp ứng trên 50 đặc tính kỹ thuật, bao gồm các chức năng đặc biệt: tương thích trình chiếu bằng wired LAN/ wireless LAN (Option); tích hợp chế độ đồng hồ đo CO2 (Carbon Saving Metter) đo lượng khí thải CO2; trình chiếu 9 màu tường khác nhau: Whiteboard, Blackboard, Gray, Light Yellow, Light Green, Light Blue, Sky Blue, Light Rose, Pink; chức năng trình chiếu cùng lúc 16 thiết bị (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông mình) sử dụng hệ điều hành Windows, Android, OS X, iOS... Qua khảo sát, đa số nhà thầu khẳng định, chỉ có sản phẩm của hãng NEC mới đáp ứng được tổ hợp thông số kỹ thuật nêu trên.

Tương tự, đối với “máy chiếu vật thể”, nhiều nhà thầu chỉ ra HSMT đang hướng đến sản phẩm của hãng AVER bằng việc liệt kê đầy đủ, chi tiết cấu hình như: cảm biến: 1/3.2"" CMOS; số điểm ảnh: 13 megapixels; điểm ảnh hiệu quả: ngang: 3840, dọc: 2160/60fps; tỷ lệ khung hình: tối đa 60 fps; chế độ không dây: P2P1/Wi-Fi/Miracast...

Theo các nhà thầu, những sản phẩm nêu trên đều là thiết bị phổ biến trên thị trường, đa dạng về phân khúc, thương hiệu. Do đó, việc HSMT yêu cầu quá nhiều thông số kỹ thuật chi tiết mà không có quy định về tính tương đương sẽ dẫn đến hạn chế sản phẩm dự thầu. “HSMT vi phạm Phụ lục 08 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT khi yêu cầu về kỹ thuật mà chỉ 1 sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng, trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu”, một nhà thầu nhận định.

Cũng theo phản ánh, toàn bộ danh mục mời thầu là hàng hóa thông thường, sẵn có trên thị trường và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất. Tuy nhiên, HSMT lại yêu cầu cung cấp giấy phép bán hàng, giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất/đại lý phân phối hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành của nhà sản xuất/đại lý phân phối hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Đối với hàng hóa nhập khẩu, nhà thầu phải cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh là hàng hóa nhập khẩu hoặc văn bản xác nhận của nhà sản xuất cụ thể từng số hiệu của các thiết bị là hoàn toàn đúng theo nội dung của hồ sơ dự thầu (HSDT) và nội dung nhà sản xuất đã ủy quyền cho nhà thầu. Trong khi đó, đối với hàng hóa nhập khẩu, đến thời điểm mua hàng, nhà thầu mới nhận được giấy tờ (CO, CQ). Do vậy, yêu cầu các dạng giấy tờ này tại thời điểm dự thầu là không hợp lý.

Phản hồi các nhà thầu, Bên mời thầu cho biết, bất kỳ thông tin về thương hiệu, mã hiệu hay thông số kỹ thuật đặc thù, chỉ có 1 hãng sản xuất đáp ứng (nếu có) của hàng hóa thiết bị nêu trong HSMT chỉ nhằm minh họa các tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kỹ thuật mang tính “tương đương” với hàng hóa, thiết bị cho Gói thầu. Nhà thầu có thể lựa chọn dự thầu hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, nhà sản xuất, thương hiệu, mã hiệu phù hợp với điều kiện cung cấp, nhưng phải bảo đảm yêu cầu có tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng tương đương hoặc ưu việt hơn, hiện đại hơn. Bên mời thầu đề nghị nhà thầu căn cứ theo đúng HSMT đã phát hành để lập HSDT. Đối với yêu cầu về giấy phép bán hàng hoặc các tài liệu có giá trị tương đương, Bên mời thầu chấp thuận lược bỏ khỏi HSMT theo kiến nghị.

Theo chuyên gia đấu thầu, việc HSMT mô tả một cách quá chi tiết đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ hoặc đưa ra yêu cầu kỹ thuật bằng cách sao chép y nguyên catalogue/thông số kỹ thuật của một sản phẩm cụ thể sẽ khiến nhà thầu bị hạn chế về sản phẩm tham gia chào thầu. “Trong trường hợp Bên mời thầu cho phép nhà thầu chào sản phẩm tương đương, về nguyên tắc, cụm từ “tương đương” được hiểu là tiêu chí mở, tiêu chí cạnh tranh, song để tìm được sản phẩm tương đương dựa trên hàng loạt thông số kỹ thuật (nếu có những thông số kỹ thuật mang yếu tố độc quyền của hãng cụ thể nào đó) cũng sẽ là bài toán khó đối với nhà thầu”, vị chuyên gia bình luận.

Chuyên đề