Bồi đắp sức mạnh niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lần đầu tiên sau 36 năm Đổi mới, năm 2022, số doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường của Việt Nam thiết lập cột mốc hơn 200.000 DN, vượt xa kế hoạch đặt ra. Con số này được đánh giá rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng DN, nhà đầu tư vào triển vọng phát triển kinh tế đất nước.
Năm 2022, cả nước có 208.368 DN thành lập mới và tái gia nhập thị trường với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 4.763.536 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021. Ảnh: Huấn Anh
Năm 2022, cả nước có 208.368 DN thành lập mới và tái gia nhập thị trường với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 4.763.536 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021. Ảnh: Huấn Anh

Dẫu đã phán đoán sẽ có một con số ấn tượng về hoạt động gia nhập và tái gia nhập thị trường của DN năm 2022 nhưng số liệu “nóng hổi” về vấn đề này vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật vẫn không khỏi khiến chúng ta bất ngờ. Năm 2022, cả nước có 208.368 DN thành lập mới và tái gia nhập thị trường với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 4.763.536 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021. Trong đó, có 148.533 DN gia nhập thị trường, tăng 27,1% so với năm 2021 và gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2021 (129.611 DN).

“Đây là con số cao chưa từng có, lần đầu tiên số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập đạt cột mốc hơn 200.000 DN”, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhìn nhận và nhấn mạnh, đây là con số rất có ý nghĩa, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng DN trong nước và quốc tế về triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam.

DN thành lập mới tăng ở hầu hết các ngành kinh tế. Số DN quay trở lại thị trường cũng tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, trong đó phải kể đến sự phục hồi tích cực của một số lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19 như: giáo dục và đào tạo; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội vui mừng chia sẻ, năm 2022, số DN gia nhập thị trường của Thủ đô cũng cao chưa từng có với khoảng 30.000 DN mới. Sự khởi sắc trong hoạt động gia nhập thị trường của DN là tín hiệu tốt, báo hiệu môi trường kinh doanh Thủ đô tiếp tục được cải thiện.

Ông Daniel Fitzapatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME đánh giá, hiện nay, hoạt động đăng ký kinh doanh đã thực sự dễ dàng hơn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo lập Chính phủ điện tử.

Bên cạnh những con số tích cực thể hiện sự phục hồi, khởi sắc trong hoạt động gia nhập và tái gia nhập thị trường của DN, thực tế cho thấy, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp (xung đột Nga - Ukraine phủ bóng lên kinh tế thế giới, giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia...) đã tác động tới nền kinh tế, đặc biệt là “sức khỏe” của DN Việt Nam.

Năm 2022, con số DN rút lui khỏi thị trường lên tới 143.198 DN, tăng 19,5% so với năm 2021 và gấp 1,6 lần mức bình quân các năm giai đoạn 2017 - 2021. Quy mô vốn đăng ký trên DN có xu hướng giảm, số vốn đăng ký của DN thành lập mới có xu hướng chững lại trong những tháng cuối năm. Điều này cho thấy, DN đang phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền.

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây từ nhiều phía, bà Việt Anh cho biết, thời gian tới, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình gia nhập thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc duy trì hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh của DN.

Nhằm giúp DN nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng, mới đây, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã công bố Báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của DN Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của DN Việt Nam trước khủng hoảng”. Báo cáo này được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Báo cáo đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao khả năng thích ứng cho DN trước khủng hoảng trong ngắn và dài hạn như: cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết, đảm bảo hiệu quả hoạt động và dòng tiền của DN; coi nhân sự là tài sản quan trọng nhất của DN; tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách hỗ trợ DN, cải cách thực chất thủ tục hành chính… “Đây là những giải pháp hữu ích góp phần hỗ trợ DN tăng “sức đề kháng”, phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới”, bà Việt Anh nhận định.

Để “nuôi dưỡng” DN mới vươn lên, ông Quân cho biết, trong năm 2023, TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai 3 đề án hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; lắng nghe, đồng hành cùng DN trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh khẳng định, Bắc Ninh luôn cố gắng mang lại “bầu không khí” đầu tư kinh doanh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thành lập tổ công tác hỗ trợ DN, mô hình bác sĩ DN…

Sự phục hồi kỳ diệu trong hoạt động gia nhập thị trường năm 2022 cho thấy niềm tin lan tỏa và tạo nên động lực thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong nền kinh tế. Với loạt giải pháp hỗ trợ DN đang được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện, kỳ vọng hoạt động gia nhập thị trường của DN sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm 2023, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư