Bố trí vốn phù hợp tiến độ thực hiện, tránh trả vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024. Có bộ, địa phương đề xuất “trả vốn” lớn, cũng nhiều bộ, địa phương xin bổ sung vốn. Điều này cho thấy, việc tổ chức thực hiện đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai kế hoạch đầu tư công.
Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định, không giải ngân được
Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định, không giải ngân được

Nơi xin trả, nhiều nơi xin bổ sung

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề xuất của Chính phủ điều chỉnh giảm 7.313,553 tỷ đồng kế hoạch vốn trong nước của 20 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung tương ứng cho 12 bộ, cơ quan trung ương và địa phương; điều chỉnh giảm 1.133,313 tỷ đồng vốn nước ngoài của 4 bộ, địa phương để bổ sung tương ứng cho Bộ Y tế và 13 địa phương.

Trong tổng số 7.313,553 tỷ đồng kế hoạch vốn trong nước của 20 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được UBTVQH đã đồng ý điều chỉnh giảm, theo báo cáo của Chính phủ, bao gồm 2.862,423 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhưng các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ cho các dự án do dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định và 4.451,130 tỷ đồng đã được phân bổ chi tiết nhưng các bộ, cơ quan, địa phương không giải ngân được trong năm 2024 và đề xuất “trả lại vốn”. 1.133,313 tỷ đồng

Các đơn vị đề xuất điều chỉnh giảm vốn do không giải ngân được gồm Bộ Ngoại giao đề xuất cắt giảm 148,130 tỷ đồng; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề nghị giảm 273 tỷ đồng; Thành phố Hà Nội đề nghị trả lại 4.030 tỷ đồng (là số vốn bố trí cho Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô).

Trong khi nhiều đơn vị trên đề xuất “trả vốn”, thì theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, đối với vốn trong nước, có 37 bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bổ sung tới 22.389 tỷ đồng; đối với vốn nước ngoài, có 15 bộ, địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 là 1.343 tỷ đồng.

Cần xây dựng kế hoạch phù hợp khả năng thực hiện

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình một số ngành, địa phương trả lại vốn đầu tư công trong khi nhiều bộ, địa phương đang cần vốn, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công việc; không để xảy ra trì trệ, né tránh trách nhiệm,

Việc “trả lại” kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương (NSTW) thực chất là quy trình điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm, trong đó, những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có điều chỉnh giảm kế hoạch vốn được quen gọi là “trả lại” kế hoạch vốn. Thực trạng này diễn ra trong một số năm gần đây, đã được Bộ KH&ĐT nhiều lần cảnh báo về hệ lụy.

Bộ KH&ĐT nêu rõ quy định tại Luật Đầu tư công, việc lập kế hoạch phải dựa trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan trung ương và địa phương và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được giao kế hoạch cho dự án theo đề xuất, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lại xin trả lại khi xuất hiện vướng mắc, khó khăn trong giải ngân vốn... Việc xin giảm vốn gây ra nhiều hệ lụy và tạo áp lực rất lớn cho việc bố trí kế hoạch vốn các năm sau. Đồng thời còn ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành, hiệu quả đầu tư dự án, gây lãng phí cơ hội và nguồn lực.... Đối với vốn nước ngoài, dù hoàn trả vốn nhưng cả trung ương và địa phương vẫn phải chi trả chi phí cam kết vốn, lãi vay.

Trong số nhiều nguyên nhân của vấn đề này, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định, không giải ngân được, khiến nhiều đơn vị phải đề xuất trả lượng vốn tương đối lớn.

Và vì thế trong hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư công hằng năm, Bộ KH&ĐT luôn nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng công tác chuẩn bị để dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư có thể phân bổ chi tiết vốn theo quy định, đề xuất kế hoạch vốn sát với khả năng thực hiện…

Tại phiên họp vừa qua của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm, bố trí vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân của các nhiệm vụ, dự án, hạn chế việc phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã giao, đồng thời có giải pháp quyết liệt để phân bổ số vốn còn lại chưa phân bổ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; quản lý, sử dụng vốn tiết kiệm hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí.

Chuyên đề