Nhiều dự luật quan trọng như Luật về PPP, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được Bộ KH&ĐT tập trung xây dựng, hoàn thiện với tinh thần tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc cho khu vực tư nhân, khơi thông mọi nguồn l |
Xây dựng thể chế, pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&ĐT. Điểm lại hoạt động này trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đáng chú ý nhất là Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ phiếu tán thành đạt 90,7%, thể hiện sự đồng thuận cao của các Đại biểu Quốc hội đối với những đề xuất cải cách, đổi mới của Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư công, nhằm tạo thuận lợi, tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực đầu tư cho phát triển của cả Nhà nước và khu vực tư nhân.
Bộ KH&ĐT cũng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn công tác quản lý đầu tư công trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới mạnh mẽ, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, công việc tiếp theo từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề. Bộ sẽ tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, trình Chính phủ xem xét, ban hành kịp thời với tiến độ triển khai Luật. Đồng thời, triển khai ngay công tác phổ biến pháp luật đối với Luật Đầu tư công trên tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức phổ biến trực tuyến cho tất cả các địa phương.
Tiếp nối bài học kinh nghiệm và những thành công của Luật Đầu tư công, Bộ KH&ĐT đang tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
“Đây là 2 dự luật quan trọng, có mức độ khó hơn so với Luật Đầu tư công, do có nhiều điểm đổi mới và phạm vi tác động đến nhiều đối tượng, bao gồm cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và huy động hiệu quả nguồn vốn đầu tư của toàn nền kinh tế, nhất là vốn đầu tư khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong tiếp tục nhận được sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành trung ương và địa phương đối với 02 dự án Luật này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Về công tác triển khai thi hành Luật Quy hoạch, vừa qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai Luật Quy hoạch. Hội nghị đã trao đổi nhiều vấn đề đặt ra trong triển khai thi hành Luật, đòi hỏi không những các bộ, ngành, địa phương cùng nỗ lực, cố gắng mà còn cả công tác hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành để đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một bộ Luật phức tạp, mất nhiều thời gian trong công tác hoàn thiện, thông qua cũng như công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, đến nay đã đạt được bước tiến quan trọng, trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch. Đây là những căn cứ quan trọng trong công tác triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Mặc dù vẫn còn một số vấn đề về cách hiểu, cách thức triển khai các quy định của Luật Quy hoạch, nguồn lực cho nhiệm vụ quy hoạch, nhưng Bộ trưởng khẳng định, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh kịp thời, thấu đáo nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các quy hoạch theo quy định.
“Tôi đề nghị toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến công tác quy hoạch quán triệt sâu rộng nội dung của Hội nghị toàn quốc triển khai Luật Quy hoạch đến từng tổ chức, cá nhân liên quan, khẩn trương tổ chức triển khai các hoạt động trên tinh thần không ngại khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, huy động các nguồn lực hợp pháp bổ sung cho nguồn ngân sách nhà nước nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch, loại bỏ tâm lý chờ đợi cả về nguồn lực và hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc, đẩy mạnh chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nêu rõ.