Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet |
Mới đây, Bộ GTVT đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phương án bố trí, sử dụng dự phòng trung hạn kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 để xử lý các nhiệm vụ chi cấp bách của ngành GTVT.
Từ 2016 - 2018: Giao hơn 70.914 tỷ đồng
Bộ GTVT cho biết, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được phân bổ, ngành GTVT mới cân đối được khoảng 292.416 tỷ đồng, bao gồm 210.700 tỷ đồng vốn NSNN và trái phiếu chính phủ (TPCP), khoảng 81.716 tỷ đồng dự kiến huy động ngoài ngân sách. Số vốn được phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đầu tư của Ngành trong giai đoạn 2016 - 2020 (khoảng 952.000 tỷ đồng).
Đến nay, Bộ GTVT đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn NSNN là 189.111 tỷ đồng (bao gồm dự phòng 10% của Bộ), trong đó vốn nước ngoài 97.221 tỷ đồng, vốn trong nước 36.889 tỷ đồng và vốn TPCP 55.000 tỷ đồng (vốn NSNN tham gia các dự án cao tốc Bắc - Nam). Theo Bộ GTVT, khoản 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng trung hạn cho các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách hiện chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giao cho Bộ GTVT các năm 2016, 2017 và 2018 hơn 70.914 tỷ đồng (tương đương 52,9% kế hoạch); giải ngân từ năm 2016 đến hết tháng 9/2018 được 58.677 tỷ đồng (đạt 43,8% kế hoạch giai đoạn đã giao), riêng 9 tháng năm 2018 giải ngân được 13.739 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch năm.
Theo Bộ GTVT, với số kế hoạch được phân bổ như hiện nay, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành GTVT hầu như không có dự án khởi công mới, nhiều nhiệm vụ chi cấp bách của ngành GTVT chưa cân đối được nguồn vốn để giải quyết dứt điểm trong giai đoạn này. Trong đó, đặc biệt khó khăn là nguồn vốn để trả các khoản nợ cho 4 dự án BT, nợ xây dựng cơ bản, nợ khối lượng hoàn thành, quyết toán các dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2016; vốn trả nợ các khoản đầu tư thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương đã được địa phương, doanh nghiệp ứng trước thực hiện; bổ sung vốn để hoàn thành dứt điểm 25 dự án đang thực hiện dở dang; vốn trung ương hỗ trợ cho một số dự án cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến Quốc lộ 1…
Kiến nghị phương án sử dụng nguồn dự phòng
Bộ GTVT cho biết, hiện nay, nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn chưa phân bổ của Bộ còn khoảng 9.722 tỷ đồng vốn nước ngoài; 3.689 tỷ đồng vốn ngân sách trong nước và 5.500 tỷ đồng vốn TPCP (dự phòng riêng cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam). Qua rà soát, số vốn dự phòng vốn nước ngoài đủ để cân đối bổ sung cho các dự án ODA đang thực hiện còn thiếu vốn và khởi động một số dự án ODA mới đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với nguồn vốn dự phòng trung hạn vốn ngân sách trong nước 3.689 tỷ đồng, Bộ GTVT đề xuất bố trí 3.117 tỷ đồng chi cho các dự án đã có danh mục kế hoạch trung hạn, trong đó chi bổ sung khoảng 2.446 tỷ đồng để trả các khoản chi giải phóng mặt bằng, thuế cho các dự án ODA (phần vốn đối ứng trong nước); bố trí bổ sung 567 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện, hoàn thành 2/25 dự án sử dụng vốn NSNN đang thực hiện dở dang (Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 63 qua Cà Mau, Dự án Nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn Việt Vinh - Nghĩa Đô qua Hà Giang).
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị bố trí 572 tỷ đồng nguồn dự phòng trung hạn vốn ngân sách trong nước cho các dự án chưa có danh mục kế hoạch trung hạn như: trả nợ nhà thầu thi công Dự án Cầu Hòa Trung - Cà Mau (270 tỷ đồng); bố trí 40 tỷ đồng cho nhiệm vụ lập, thẩm định, công bố các quy hoạch ngành quốc gia; bố trí 150 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc của Bộ GTVT; bố trí 107 tỷ đồng vốn đối ứng cho 9 dự án ODA mới…
Theo Bộ GTVT, do nguồn dự phòng trung hạn của Bộ GTVT rất nhỏ, không thể đáp ứng hết các nhiệm vụ chi của Ngành, vì vậy, Bộ đề xuất Chính phủ xem xét, xử lý bổ sung nguồn vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 (nguồn dự phòng chung) cho Bộ GTVT khoảng 38.992 tỷ đồng. Cụ thể là bổ sung 10.677 tỷ đồng để trả nợ 4 dự án BT đã thực hiện (Sơn La - Túy Loan, Quốc lộ 20 thành phần 1, Quốc lộ 20 thành phần 2, nút giao Ngã ba Huế). Bộ GTVT cũng đề nghị bổ sung 3.300 tỷ đồng để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, nợ khối lượng hoàn thành, quyết toán các dự án sử dụng vốn TPCP từ 2012 - 2016; bổ sung 1.751 tỷ đồng để trả các khoản nợ địa phương, doanh nghiệp đã ứng vốn để thực hiện các dự án theo cơ chế đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận...