Bình Dương: Tranh chấp nội bộ, Dự án Roxana Plaza khi nào mới bàn giao cho khách hàng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành kết luận thanh tra Dự án Khu nhà ở thương mại dịch vụ Contentment Plaza (tên thương mại Roxana Plaza) tọa lạc ở phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An. Do xảy ra tranh chấp nội bộ giữa các cá nhân nên việc ngồi lại đàm phán với nhau để tiếp tục phát triển Dự án là vô cùng nan giải.
Nguồn cơn đi đến sự tranh chấp nội bộ này bắt đầu từ việc chuyển nhượng, huy động vốn. Ảnh: Văn Dũng
Nguồn cơn đi đến sự tranh chấp nội bộ này bắt đầu từ việc chuyển nhượng, huy động vốn. Ảnh: Văn Dũng

Dự án hoàn thành 80% nhưng bị ngưng

Roxana Plaza có tổng diện tích đất gần 8.423,0 m2, gồm 2 khối nhà quy mô 29 tầng, với 1.124 căn hộ, 12 căn penthouse, 27 căn cửa hàng, do Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Đầu tư bất động sản Tường Phong (gọi tắt là Tường Phong) làm chủ đầu tư.

Hiện tháp A đã hoàn thành phần bê tông cốt thép từ tầng 1 đến tum mái; tháp B hoàn thành phần bê tông cốt thép từ tầng 1 đến dầm sàn tầng 29 và từ cột vách tầng 29 lên sân thượng. Đoàn Thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết, dự án này đã ngưng triển khai xây dựng gần 2 năm nay.

Nguồn cơn đi đến sự tranh chấp nội bộ rồi ngừng thi công bắt đầu từ việc chuyển nhượng, huy động vốn hồi năm 2017. Cụ thể, ngày 7/4/2017, Tường Phong đã ký với ông Nguyễn Anh Đào hợp đồng hợp tác kinh doanh về việc cùng góp vốn xây dựng và phân chia lợi nhuận kinh doanh. Tiếp đó, ngày 27/7/2017, Tường Phong ký với Công ty CP Naviland (gọi tắt là Naviland) hợp đồng ủy quyền về việc ủy quyền khai thác đầu tư dự án nói trên.

Cần nói rõ thêm, Naviland được thành lập bởi nhóm cổ đông gồm ông Lầu Nam Tường và vợ là bà Phạm Thị Ngọc Liên (lãnh đạo của Tường Phong) là chủ đầu tư Dự án Roxana Plaza nắm 51%, với vợ chồng bà Dương Thị Phương Tuyền, ông Nguyễn Anh Đào - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư VietHome (VietHome) nắm 49%.

Thông qua hợp đồng này, Naviland được quyền ký các hợp đồng phân phối sản phẩm của dự án với các công ty phân phối, môi giới bất động sản để huy động vốn theo quy định, ủy quyền này có hiệu lực cho đến khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng từ Tường Phong sang Naviland. Naviland đã chuyển nhượng cho khách hàng 1.082 căn hộ bằng hình thức hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, đầu năm 2021, Roxana Plaza bất ngờ ngừng xây dựng do ban lãnh đạo Naviland xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, bà Dương Thị Phương Tuyền bị bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Naviland vì bị tố đã cấu kết, móc nối với đơn vị phân phối là VietHome do chồng bà Tuyền là ông Nguyễn Anh Đào làm chủ để chiếm đoạt tiền của khách hàng, dẫn đến Dự án bị thiếu kinh phí, không thể tiếp tục xây dựng để bàn giao nhà.

Đáp lại, ông Nguyễn Anh Đào phủ nhận toàn bộ những cáo buộc trên và khẳng định mình bị oan. Cũng từ đó, bà Phạm Thị Ngọc Liên, ông Nguyễn Anh Đào, bà Dương Thị Phương Tuyền - những người lãnh đạo của Tường Phong, Naviland, VietHome - luôn ở trong "vòng xoáy" tố giác lẫn nhau bất chấp Dự án "đứng hình".

Trong một diễn biến khác, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết, qua kiểm tra điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn theo quy định, nhận thấy Naviland chưa được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, song Naviland đã chuyển nhượng căn hộ là vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.

Với vi phạm này, ngày 4/11/2021, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định xử phạt Naviland 275 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng. Đáng lưu ý, hiện Naviland vẫn chưa nộp số tiền phạt nêu trên.

Chưa được cấp xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai

Ngày 27/12/2021, Tường Phong gửi văn bản xin xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với dự án này nhưng Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương chưa cấp. Tại biên bản làm việc ngày 17/11/2022 với Đoàn Thanh tra, Sở xây dựng cho biết lý do chưa cấp là do người dân đang khiếu nại về việc ký hợp đồng với Naviland (do Naviland có 51% cổ phần của Tường Phong).

Quan điểm của Đoàn Thanh tra là Tường Phong, Naviland và người dân đang có khiếu kiện tại tòa, do đó 3 bên phải thống nhất giải quyết xong việc khiếu nại, khiếu kiện thì cơ quan nhà nước mới xem xét để có văn bản cho Tường Phong được phép huy động vốn theo quy định.

Từ những vấn đề nêu trên, Thanh tra UBND tỉnh Bình Dương kết luận, Tường Phong và Naviland thực hiện Dự án chậm tiến độ, hiện nay đã ngưng triển khai xây dựng, nhưng đã huy động vốn khi chưa đủ điều kiện khiến người dân bức xúc, tập trung đông người, gửi đơn khiếu kiện, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn. Trách nhiệm này thuộc về nhà đầu tư là Công ty Tường Phong và công ty được ủy quyền phát triển Dự án là Công ty CP Naviland, nhưng trách nhiệm chính thuộc về Công ty Tường Phong.

Liên quan đến khả năng thực hiện Dự án, kết luận thanh tra cho rằng, hiện nay Dự án đã triển khai đạt 80%, do đó việc hoàn thành là có khả thi. Tuy nhiên, đến nay do nội bộ xảy ra tranh chấp dân sự giữa các cá nhân với nhau không liên quan đến Dự án nhưng Tường Phong và Naviland đã cho ngưng xây dựng nên đề nghị Tường Phong nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật khi Công ty được cơ quan nhà nước cho phép đầu tư.

Đoàn thanh tra nhận định, xét về quy định, Tường Phong được Nhà nước giao là chủ đầu tư, do đó Tường Phong phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện Dự án và chịu trách nhiệm hoàn thành Dự án theo quy hoạch, tiến độ đã phê duyệt. Đồng thời, thực hiện các hợp đồng do Công ty được ủy quyền là Naviland đã ký kết với khách hàng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều khách hàng mua sản phẩm ở đây cho biết, cư dân đã quá thiệt thòi từ những tranh chấp nội bộ nói trên. Ai cũng muốn có được một chỗ ở để an cư nhưng mua phải sản phẩm ở dự án này quả là ngậm trái đắng. Hy vọng với sự vào cuộc của tỉnh Bình Dương và các sở ngành, người dân sớm được nhận nhà để yên tâm sinh sống.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư