Bản tin thời sự sáng 7/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đồng Nai sẽ cho phép người đã tiêm vaccine ra đường; người Việt có thể cá cược bóng đá nhiều giải đấu lớn; cáp AAE-1 gặp sự cố, ảnh hưởng chất lượng học trực tuyến; gần 1.000 học viên công an chi viện 3 tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19; 4 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cần giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng…

Đồng Nai sẽ cho phép người đã tiêm vaccine ra đường

Đồng Nai dự kiến thực hiện kế hoạch "công dân vaccine" với tinh thần người tiêm vaccine mới được ra đường và đi làm khi địa phương nới lỏng giãn cách.

Đồng Nai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động

Đồng Nai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, Tỉnh dự tính thực hiện "công dân vaccine" với tinh thần người tiêm vaccine mới được ra đường, đi làm khi địa phương nới lỏng giãn cách.

Với dân số hơn 3,7 triệu người, trong đó khoảng 2,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên, Đồng Nai dự kiến cần hơn 4,7 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân. Đến sáng 6/9, Tỉnh đã tiêm cho 960.262 người (62.000 người tiêm đủ 2 mũi), chiếm 42,6% số người từ 18 tuổi trở lên.

Ông Lĩnh cho rằng, năng lực tiêm 70.000 - 80.000 liều/ngày là thấp so với nhiều địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu ngành y tế huy động lực lượng đảm bảo trong 10 ngày tới phải tiêm đủ một triệu liều vaccine, sớm phủ vaccine, đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới".

Theo ông Lĩnh, Đồng Nai quyết tâm đến 15/9, tất cả người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Đặc biệt, chiến lược tiêm vaccine cần tập trung vào lực lượng công nhân, lao động để sớm đưa sản xuất trở lại khi tỉnh nới giãn cách.

Người Việt có thể cá cược bóng đá nhiều giải đấu lớn

Bộ Tài chính vừa đề xuất mở rộng danh mục các giải đấu cho phép cá độ, từ Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga, Serie A đến những giải có đội tuyển Việt Nam thi đấu.

Các trận đấu, giải đấu tuyển Việt Nam thi đấu được Bộ Tài chính công bố có thể tham gia cá cược như vòng loại giải FIFA World Cup, AFC U-23 Championship...

Các trận đấu, giải đấu tuyển Việt Nam thi đấu được Bộ Tài chính công bố có thể tham gia cá cược như vòng loại giải FIFA World Cup, AFC U-23 Championship...

Nghị định 06 năm 2017 của Chính phủ đã cho phép người Việt tham gia cá cược bóng đá quốc tế, nhưng trên thực tế, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép kinh doanh thí điểm do quy định vẫn còn bất cập.

Việc đề xuất mở rộng các trận đấu và giải đấu được phép cá cược là một trong nhiều giải pháp Bộ Tài chính đưa ra để tháo gỡ "điểm nghẽn" này. Bộ Tài chính đã trình Bộ Tư pháp lấy ý kiến về dự thảo thay thế Nghị định 06 năm 2017.

Quy định cũ chỉ cho phép người Việt được phép cá cược các trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế được Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) công bố, phê chuẩn. Nhưng theo Bộ Tài chính, các giải do FIFA tổ chức ít, không diễn ra thường xuyên nên tần suất kinh doanh đặt cược thấp, dẫn tới khó tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng các trận bóng người Việt có thể cá cược trong 5 năm, danh mục cụ thể gồm 27 giải đấu và 9 trận đấu, trong đó có 15 giải được tổ chức thường xuyên hằng năm do Liên đoàn bóng đá khu vực châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và các nước Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp tổ chức. 12 giải đấu còn lại là không thường xuyên.

Phụ lục danh mục các trận đấu, giải đấu được Bộ Tài chính công bố bao gồm các giải tuyển Việt Nam có thể tham gia như vòng loại giải FIFA World Cup, giải AFC U-23 Championship...

Sau thời gian thí điểm, nếu Thủ tướng cho phép tiếp tục kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ công bố danh mục các trận đấu theo nguyên tắc nêu trên.

Bộ Tài chính đề xuất chỉ cho phép một doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế trong 5 năm. Việc lựa chọn sẽ được đấu thầu rộng rãi nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và lợi ích cao nhất cho nhà nước.

Cáp AAE-1 gặp sự cố, ảnh hưởng chất lượng học trực tuyến

Sự cố trên tuyến cáp quang AAE-1 ảnh hướng đến chất lượng đường truyền của nhiều ứng dụng họp, học trực tuyến quốc tế.

Việc sửa chữa cáp quang thường kéo dài nhiều tuần, do vị trí gặp lỗi cách xa bờ biển hàng trăm km. Ảnh minh họa.

Việc sửa chữa cáp quang thường kéo dài nhiều tuần, do vị trí gặp lỗi cách xa bờ biển hàng trăm km. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Ban Quản trị các tuyến cáp quang biển quốc tế, hệ thống cáp biển AAE-1 (Asia-Africa-Europe 1) đã gặp sự cố trên nhánh S1H, gây ảnh hưởng đến kết nối Internet từ Việt Nam đi Singapore. Nguyên nhân sự cố hiện chưa được xác định.

Một nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) tại Việt Nam cho biết, đơn vị này đã chuẩn bị để thoát lưu lượng với các nhà cung cấp hệ thống truyền hình trực tuyến như Microsoft Team, Google Meet, Zoom... nhằm đảm bảo chất lượng học trực tuyến sau ngày khai giảng. Tuy nhiên, sự cố mất liên lạc cáp AAE-1 nhánh Singapore xảy ra đã ảnh hưởng đến một phần lưu lượng của dịch vụ.

Sự cố này ảnh hưởng tới 3 nhà cung cấp Internet lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VNPT và FPT. Do cáp gặp vấn đề, tốc độ truy cập các website quốc tế tại một vài thời điểm trong ngày chậm hơn bình thường. Riêng các kết nối Internet trong nước vẫn diễn ra bình thường.

Đơn vị quản lý cáp quang cho biết hiện chưa xác định được nguyên nhân và kế hoạch sửa chữa cụ thể.

Đại diện Viettel, một trong những đơn vị khai thác tuyến cáp quang này cho biết để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng, nhà mạng đã bổ sung thêm hơn 900 GB dung lượng băng thông quốc tế, đồng thời kịp thời điều chỉnh lưu lượng qua các hướng đất liền và cáp biển khác như IA, APG, AAE1 hướng Hong Kong.

Trong khi đó, VNPT cho biết đã tăng cường kết nối để đảm bảo lưu lượng kết nối đến các dịch vụ họp trực tuyến như Microsoft Team, Google Meet, Zoom ...Tuy nhiên, cáp AAE-1 nhánh đi Singapore gặp sự cố nên đã ảnh hưởng đến một phần chất lượng dịch vụ.

Đối với các dịch vụ học trực tuyến trong nước như K12Online, tình trạng nhiều học sinh, thầy cô bị chậm kết nối vẫn diễn ra và chưa rõ nguyên nhân.

Gần 1.000 học viên công an chi viện 3 tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19

Gần 1.000 học viên của 2 học viện An ninh và Cảnh sát chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19 vào ngày 6/9.

Gần 1.000 học viên hai trường công an tại sân bay Nội Bài

Gần 1.000 học viên hai trường công an tại sân bay Nội Bài

Thiếu tướng Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân cho biết, 300 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được tăng cường đến Đồng Nai. Từ tháng 5/2021 Học viện An ninh nhân dân đã tổ chức các khóa đào tạo cho học viên về kỹ năng trực chốt, các yếu tố phòng dịch cần thiết; được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đi chống dịch đã xét nghiệm PCR và đều âm tính. Lực lượng tăng cường chủ yếu được phân công trực chốt cấp huyện để đảm bảo thực hiện nghiêm việc giãn cách.

Tại Học viện Cảnh sát nhân dân, 650 học viên cũng lên đường chi viện các tỉnh phía Nam chống dịch. Trong đó, tăng cường 500 cán bộ, học viên hỗ trợ Công an tỉnh Bình Dương và 150 cán bộ, học viên hỗ trợ Công an tỉnh Long An.

Sau lễ xuất quân, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ ra sân bay Nội Bài, để tới Đồng Nai, Long An, Bình Dương và vào việc ngay. Trong đợt dịch thứ 4, Bộ Công an đã chi viện hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cho các tỉnh phía Nam chống dịch.

Đề xuất shipper, nhân viên siêu thị ở TP.HCM hoạt động khoảng 6 - 21h

Sở Công Thương đề xuất UBND TP.HCM nghiên cứu cho phép hệ thống bán lẻ, shipper được mở rộng thời gian trong khoảng 6 - 21h hàng ngày.

Đề xuất shipper, nhân viên siêu thị ở TP.HCM hoạt động khoảng 6-21h

Đề xuất shipper, nhân viên siêu thị ở TP.HCM hoạt động khoảng 6-21h

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tổng nhu cầu đặt hàng “đi chợ hộ” trong 2 tuần (từ ngày 23/8 đến ngày 6/9) là hơn 1,9 triệu hộ, chiếm 77,24% tổng số hộ dân trên địa bàn Thành phố.

Tính từ 23/8 - 6/9, các địa phương đã giải quyết được hơn 1,2 triệu đơn hàng “đi chợ hộ” cho người dân. Tuy nhiên, với sự tham gia bổ trợ cung ứng, vận chuyển hàng hóa của lực lượng shipper thì sau 7 ngày được hoạt động, với số lượng khoảng 10.000 shipper đã giải quyết được hơn 1 triệu đơn hàng cho người dân.

Nhằm tiếp tục đảm bảo tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân được kịp thời, Sở Công Thương đề xuất UBND Thành phố nghiên cứu cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng thời gian và phương thức hoạt động trở lại từ 6 - 21h hàng ngày.

Đồng thời, cho phép đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) hoạt động theo phạm vi 1 quận, huyện, TP. Thủ Đức từ 6 - 21 hàng ngày tương ứng để hỗ trợ phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân.

4 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cần giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng

4 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cần giải ngân hơn 20.900 tỷ đồng tại các dự án cao tốc, cải tạo đường băng hai sân bay lớn...

Thi công hầm xuyên núi qua dãy Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá) thuộc dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Thi công hầm xuyên núi qua dãy Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá) thuộc dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Theo Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), trong 4 tháng cuối năm, các dự án cần tiếp tục giải ngân 20.914 tỷ đồng, gồm 2.553 tỷ đồng vốn nước ngoài và 18.361 tỷ đồng vốn trong nước. Nguồn vốn này tập trung ở các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, 14 dự án đường bộ, đường sắt và các dự án trọng điểm như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hai dự án nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Danh Huy cho biết, đến hết tháng 8, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân khoảng 22.386 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch cả năm, cao hơn so với bình quân chung cả nước và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 48%. Một số dự án có tỷ lệ giải ngân cao như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Bộ Giao thông vận tải đánh giá, vấn đề lo ngại hiện nay là các dự án khu vực phía Nam đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà thầu khó vận chuyển máy móc, thiết bị, nhân sự, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Đặc biệt, trên công trường một số dự án giao thông trọng điểm như nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận... đã có công nhân nhiễm Covid-19, nhiều người phải cách ly tại chỗ hoặc tập trung.

Vấn đề khác mà các dự án giao thông trọng điểm vẫn đang gặp phải là thiếu vật liệu xây dựng...

24 nhà máy điện gió với tổng công suất 963 MW vận hành trong 8 tháng

24 nhà máy điện gió với tổng công suất 963 MW đã vận hành thương mại trong 8 tháng đầu năm nay.

Dự án điện gió 7A được vận hành thương mại trong tháng 8/2021

Dự án điện gió 7A được vận hành thương mại trong tháng 8/2021

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 8 có 3 nhà máy hoàn thành xong thử nghiệm và được công nhận vận hành thương mại (COD), với tổng công suất 48,8 MW.

Ba dự án đủ điều kiện vận hành COD trong tháng 8 gồm Hoà Bình 1 - giai đoạn 2, công suất 15,2 MW, Số 5 Ninh Thuận (21 MW) và Nhà máy Điện gió 7A (12,6 MW).

Luỹ kế 8 tháng, có 24 nhà máy điện gió được vận hành thương mại, tổng công suất 963 MW.

Trong khi đó, tổng số nhà máy điện gió đăng ký đóng điện, hoà lưới và thử nghiệm vận hành thương mại với EVN là 106 nhà máy, tổng công suất 5.655,5 MW. Như vậy, công suất vận hành điện gió mới đạt gần 1/6 so với công suất dự kiến được doanh nghiệp đăng ký vận hành. Còn 2 tháng nữa để các dự án đã đăng ký đóng điện, thử nghiệm COD với EVN hoàn thiện các thủ tục đấu nối, để kịp vận hành trước 1/11/2021.

Trường hợp các dự án không kịp vận hành trước 1/11, thời điểm hết hiệu lực giá cố định (FIT) ưu đãi cho điện gió, tức là số dự án này sẽ không được hưởng giá FIT trong 20 năm. Thay vào đó, số dự án vào sau ngày 1/11 có thể sẽ phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá, và Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư