Bản tin thời sự sáng 7/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạm dừng thông thương hàng hóa từ ngày 10/2; khối ngoại xả hàng mạnh trước Tết; hơn 85.000 người rời TP.HCM trên các chuyến bay ngày 27 Tết; Hòa Phát đầu tư thêm gần 10.000 tỷ đồng vào Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2…

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạm dừng thông thương hàng hóa từ ngày 10/2

Cặp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa từ ngày 10/2 và dự kiến phía Trung Quốc sẽ cho thông quan hàng hóa từ ngày 12/3.

Phương tiện chở hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) tại khu vực cầu Bắc Luân II

Phương tiện chở hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) tại khu vực cầu Bắc Luân II

Lãnh đạo Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, theo lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024, lực lượng chức năng ở cặp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa từ ngày 10/2 đến hết ngày 17/2 (tức từ mùng 1 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch).

Tuy nhiên, sau khi trao đổi giữa các cơ quan chức năng hai bên, dự kiến phía Trung Quốc sẽ cho thông quan hàng hóa nhập khẩu từ ngày 12/3 (tức mùng 3 Tết), chủ yếu là hàng đông lạnh, hàng tạm nhập tái xuất của Việt Nam.

Riêng đối với xuất nhập cảnh, lực lượng chức năng hai bên sẽ làm việc xuyên Tết phục vụ nhân dân và du khách, không có ngày nghỉ Tết.

Từ ngày 1/1 - 4/2, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 132.922 tấn, tăng 49,7% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, Cửa khẩu cầu Bắc Luân II có 5.651 phương tiện với khối lượng hàng hóa đạt 90.797 tấn, tăng 188,3% so cùng kỳ 2023, bình quân đạt 3.027 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày.

Tại lối mở Km 3+4 Hải Yên, có 3.674 phương tiện chở 38.712 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu (bình quân đạt 105 phương tiện/ngày, 1.106 tấn/ngày), giảm 23,3% so cùng kỳ 2023. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là hoa quả, thủy hải sản đông lạnh, hạt khô và hàng hóa khác. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng tạp, hàng vải.

Khối ngoại xả hàng mạnh trước Tết

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 410 tỷ đồng, cao nhất một tháng và VN-Index chốt ở 1.188,5 điểm dù trong phiên xuất hiện các đợt giằng co.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 410 tỷ đồng

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 410 tỷ đồng

Trong phiên giao dịch ngày 6/2, VN-Index tăng ngay khi mở cửa, lên sát 1.191 điểm chỉ sau 20 phút, tức gần 5 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời dần xuất hiện khiến chỉ số này giảm và gần như đi ngang suốt buổi sáng. Đầu giờ chiều, sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn kéo chỉ số đại diện sàn HoSE về dưới tham chiếu. Nhưng diễn biến khả quan của rổ VN30 lập tức đỡ Vn-Index đi lên.

Sau cơn rung lắc, VN-Index chốt phiên ở 1.188,5 điểm, tích lũy hơn 2,4 điểm so với hôm qua. Sự giằng co thể hiện rõ khi số lượng cổ phiếu tăng và giảm giá không quá cách biệt, lần lượt đạt 244 mã và 212 mã.

Chỉ số tăng nhưng thanh khoản tiếp tục đi lùi. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE hôm nay đạt hơn 14.600 tỷ đồng, giảm khoảng 4.600 tỷ đồng.

Thị trường ghi nhận thêm một chỉ báo tiêu cực khác khi khối ngoại bán ròng mạnh nhất một tháng qua, khoảng 410 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng mạnh thứ hai kể từ đầu năm. Nhà đầu tư nước ngoài tập trung xả hàng các mã SHS, VHM, GEX, HPG, VCB.

Hơn 85.000 người rời TP.HCM trên các chuyến bay ngày 27 Tết

Dù lượng khách tại sân bay cao nhất trong giai đoạn Tết Giáp Thìn 2024 nhưng hành khách không còn phải chờ đợi quá lâu ở các khâu làm thủ tục.

Hơn 85.000 người rời TP.HCM trên các chuyến bay ngày 27 Tết

Hơn 85.000 người rời TP.HCM trên các chuyến bay ngày 27 Tết

Theo Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, có 887 chuyến bay cất cánh đi các tỉnh thành phía Bắc với khoảng 130.000 hành khách trong hôm nay (ngày 6/2, tức 27 tháng Chạp). Lượng khách rời thành phố vẫn là cao nhất với 85.400 người, bao gồm hơn 62.000 khách quốc nội và gần 23.000 khách đi quốc tế.

Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất cho biết, lượng khách dồn về khung 5 - 8h sáng rất đông, thậm chí có hàng trăm hành khách sợ trễ chuyến nên đến sân bay sớm khiến sảnh nhà ga có thời điểm quá tải.

Tuy nhiên ngày 6/2, tác động từ tình trạng thời tiết xấu, sương mù ở miền Bắc những ngày trước gây chậm chuyến dây chuyền ở Tân Sơn Nhất đã không còn. Các khu vực trong nhà ga quốc nội, ga quốc tế tại Tân Sơn Nhất đã thông thoáng trở lại.

Từ 13h ngày 6/2, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) thử nghiệm hệ thống thu không dùng tiền mặt tại khu vực ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất bằng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification), giúp rút ngắn thời gian trả tiền và giảm ùn ứ tại các khu vực ra, vào của sân bay.

ACV đã lắp đặt các trang thiết bị đọc RFID, camera nhận diện biển số xe và hệ thống phần mềm đáp ứng việc thu tiền dịch vụ tương tự như phương thức đang được triển khai tại các trạm thu phí cao tốc.

Hòa Phát đầu tư thêm gần 10.000 tỷ đồng vào Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2

Tập đoàn Hòa Phát cho biết đang bám sát tiến độ đầu tư và hiệu quả các dự án lớn, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2.

Toàn cảnh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất

Toàn cảnh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất

Theo báo cáo kinh doanh quý IV/2023, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cho biết, siêu dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2 (Dung Quất 2) đã đạt khoảng 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch ban lãnh đạo đề ra. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm và có thể lọt vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Tại thời điểm cuối năm ngoái, Hòa Phát đã rót đến 22.555 tỷ đồng vào khu liên hợp gang thép trên, tăng hơn 9.824 tỷ đồng so với quý III/2023 và tăng 13.125 tỷ đồng so với đầu năm.

Lãnh đạo Hòa Phát xem Dung Quất 2 là "quả đấm thép" với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3 tỷ USD, tương đương khoảng 1.000 dự án vừa và nhỏ, hay bằng 100 dự án lớn khác mà tập đoàn này phải tự lực đầu tư.

Khu liên hợp sản xuất gang thép mới dự tính hoàn thành vào quý I/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Tập đoàn kỳ vọng mất khoảng 3 năm để vận hành tối đa công suất.

Ghi nhận tại ngày 31/12/2023, khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Hoà Phát đạt hơn 26.000 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự án Dung Quất 2 này với hơn 22.555 tỷ đồng…

Để có nguồn tài trợ mở rộng đầu tư, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã tăng quy mô nợ vay trong năm ngoái thêm 13%, lên mức kỷ lục gần 65.400 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với gần 55.000 tỷ đồng.

Theo đó, Hòa Phát phải gánh lãi vay gần 3.600 tỷ đồng một năm, tăng hơn 16% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Ước tính bình quân mỗi ngày, tập đoàn thép lớn nhất nước phải trả gần 10 tỷ đồng lãi vay.

Tính chung cả năm 2023, Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Thế Giới Di Động đặt mục tiêu lãi 2024 gấp 14 lần

Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu chỉ tăng 5%, lên 125.000 tỷ năm nay, còn lợi nhuận gấp hơn 14 lần, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng.

Thế Giới Di Động đặt mục tiêu lãi 2024 gấp 14 lần

Thế Giới Di Động đặt mục tiêu lãi 2024 gấp 14 lần

Kế hoạch kinh doanh này vừa được Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) thông qua, và dự kiến trình cổ đông trong phiên họp thường niên sắp tới.

Dù mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng mạnh so với mức chưa tới 200 tỷ đồng năm 2023, con số này vẫn thấp hơn so với trung bình giai đoạn 2020 - 2022. Ba năm này, lãi ròng của MWG khoảng 3.900 - 4.900 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2023, MWG ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trước những biến động của thị trường, từ ảnh hưởng khi tham gia cuộc chiến về giá cho tới sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng.

Doanh thu của MWG không giảm quá mạnh so với cùng kỳ, vẫn đạt gần 118.300 tỷ đồng nhờ "chiến lược giá rẻ" trong nửa cuối năm. Nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 96%, chỉ còn gần 168 tỷ đồng - mức thấp nhất 10 năm.

Kết quả này đến từ diễn biến kém khả quan của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh - hai chuỗi bán lẻ điện máy và điện thoại di động "xương sống" của doanh nghiệp này.

Doanh thu hai chuỗi này lần lượt đạt hơn 28.000 tỷ đồng và 55.000 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với năm 2022. Ban lãnh đạo cho biết, với đặc tính nhóm hàng giá trị cao và sử dụng lâu dài, các sản phẩm kinh doanh tại hai chuỗi này bị ảnh hưởng nặng nề trước nhu cầu yếu và tâm lý tiêu dùng tiết kiệm.

Điểm tích cực là Bách Hóa Xanh - chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu - đã hòa vốn trong tháng 12. Doanh thu của chuỗi này tăng 17% năm 2023, đạt 31.600 tỷ đồng.

Thực phẩm tươi sống tăng trưởng 35 - 40%, được đánh giá là mảng lợi thế giúp thu hút khách hàng. Nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng 5 - 10% nhờ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi. Tuy vậy, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng này vẫn lỗ hơn 1.200 tỷ đồng. Lỗ lũy kế sau 8 năm của Bách Hóa Xanh là khoảng 8.606 tỷ đồng.

Khôi phục tuyến vận tải hành khách không định kỳ Cá Cựu-Sa Pa

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lào Cai cho biết, nhằm kích cầu du lịch cho năm mới 2024, Sở GTVT tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Ty GTVT tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã quyết định khôi phục lại tuyến vận tải hành khách không định kỳ Cá Cựu (Trung Quốc) - Sa Pa (Việt Nam)…

Du khách xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Du khách xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Nhằm thực hiện Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc triển khai Hiệp định Vận tải Đường bộ, ngày 20/7/2018, tuyến vận tải hành khách quốc tế Sa Pa (Việt Nam) - Cá Cựu (Trung Quốc) đã được khởi hành và tổ chức hoạt động đến cuối năm 2019.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, tuyến vận tải hành khách trên đã tạm thời bị gián đoạn.

Với sự nỗ lực cố gắng kết nối lại tuyến vận tải của Sở GTVT tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Ty GTVT tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tại các kỳ hội đàm vận tải, cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành, đơn vị vận tải có liên quan, ngày 31/1/2024, tại huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã diễn ra lễ phát động khôi phục lại tuyến vận tải hành khách không định kỳ Cá Cựu (Trung Quốc) - Sa Pa (Việt Nam).

Trong không khí đầu Xuân năm mới Giáp Thìn 2024, việc khôi phục lại tuyến vận tải hành khách không định kỳ Cá Cựu - Sa Pa là sự kiện được người dân, doanh nghiệp hai nước hân hoan chờ đón và quan tâm hưởng ứng.

Việc khôi phục kết nối lại tuyến vận tải hành khách sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, du lịch song phương, tìm kiếm các cơ hội hợp tác và tăng cường giao lưu văn hoá giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam.

Vasep kiến nghị xem xét bãi bỏ hạn ngạch với tôm xuất khẩu vào Hàn Quốc

Vasep gửi công văn đến Thủ tướng, các bộ, ngành kiến nghị nhiều giải pháp nhằm củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng; đáng chú ý là xem xét bãi bỏ hạn ngạch với tôm Việt xuất sang Hàn Quốc.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Sóc Trăng

Chế biến tôm xuất khẩu tại Sóc Trăng

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) vừa gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị nhiều giải pháp nhằm củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng.

Đáng chú ý là nội dung xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Theo Vasep, năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 343 triệu USD, giảm 27% so với năm 2022. Lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này giảm trong năm 2023.

Bên cạnh đó, một rào cản lớn khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh tại Hàn Quốc là do vướng phải vấn đề hạn ngạch nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).

Cụ thể, VKFTA được ký kết và có hiệu lực từ cuối năm 2015 là một công cụ quan trọng giúp hai nước thực hiện chiến lược phát triển thương mại kinh tế.

Trong giai đoạn từ 2015 - 2023, sau khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc đều ghi nhận tăng trưởng. Theo đó, tôm tăng 37%, mực và bạch tuộc tăng 51%, các loại khác (trừ cá ngừ, cá tra) tăng 4%. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và nhuyễn thể khác tăng mạnh 3 con số nhưng những sản phẩm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Tuy nhiên, theo VKFTA, Hàn Quốc chỉ miễn thuế nhập khẩu tôm Việt Nam trong hạn ngạch 15.000 tấn/năm. Trong khi đó, lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc đã vượt xa hạn ngạch miễn thuế. Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc đang phải chịu chi phí không nhỏ để có hạn ngạch nhập khẩu, lên tới 14 - 16% giá trị lô hàng khiến giá thành tôm Việt Nam tại Hàn Quốc bị đội lên cao, khó cạnh tranh với tôm các quốc gia khác.

Trong bối cảnh xuất khẩu thuỷ sản đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, Vasep kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.

Chuyên đề