Bản tin thời sự sáng 27/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bỏ cọc tiền tỷ sau vụ đấu giá đất ở Hà Nội 'chốt' gần 400 triệu/m2; công an Hà Nội lập biên bản điện tử, tài xế nộp phạt trực tuyến từ ngày 1/3; thanh tra các dự án điện phát triển trong 10 năm qua; nhiều tuyến đường BOT giảm doanh thu; xung đột giữa nhà mạng và ngân hàng quanh phí SMS Banking; doanh nghiệp taxi sẽ tăng giá cước nếu xăng không hạ nhiệt…

Bỏ cọc tiền tỷ sau vụ đấu giá đất ở Hà Nội 'chốt' gần 400 triệu/m2

Phiên đấu giá 25 lô đất thuộc khu X4 phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với mức giá trúng cao nhất gần 400 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với giá thị trường, đến nay đã quá thời điểm phải đóng hết số tiền trúng đấu giá nhưng có 4 lô đất người trúng đấu giá đã bỏ cọc.

4 lô đất bỏ cọc không phải là những lô được đấu giá cao nhất trong tổng số 25 lô đất khu X4, Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

4 lô đất bỏ cọc không phải là những lô được đấu giá cao nhất trong tổng số 25 lô đất khu X4, Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy, ngày 5/10/2021, đơn vị này đã thông báo tổ chức đấu giá 25 lô đất khu X4 với diện tích từ 38,1 - 84,8 m2, tổng diện tích 1.456,8 m2.

Dù chỉ có 25 lô đất nhưng phiên đấu giá đã thu hút hơn 700 bộ hồ sơ, một số hồ sơ không đủ điều kiện nên còn gần 700 bộ hồ sơ tham gia đấu giá ngày 30/10/2021.

Với giá khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2, sau khi phiên đấu giá kết thúc, kết quả trúng đấu giá các lô đất cao gấp 2 - 2,6 lần giá khởi điểm.

Theo quy định, quá 90 ngày, người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền trúng đấu giá thì sẽ mất tiền đặt cọc trước đó. Theo vị đại diện trên, tổng số tiền thu được sau phiên đấu giá 25 lô đất khoảng 250 tỷ đồng. 4 lô đất bỏ cọc không phải là những lô được đấu giá cao nhất trong tổng số 25 lô.

Nhiều nhà đầu tư cho biết, giá trúng đấu giá tại khu X4 (phường Mai Dịch) quá chênh lệch so với mặt bằng giá của khu vực này. Bởi hiện tại, một căn nhà 4 tầng rộng 150 m2 tại đường lớn Hồ Tùng Mậu đang được chào bán với mức 24 tỷ đồng, tương ứng 160 triệu đồng/m2, hay lô đất 240 m2 tại mặt đường Hồ Tùng Mậu, gần trường Đại học Thương mại đang được chào bán với giá 40 tỷ đồng, tương ứng 166 triệu đồng/m2; căn nhà 6 tầng rộng 75 m2 được chào bán với giá 23 tỷ đồng (306 triệu đồng/m2)...

Công an Hà Nội lập biên bản điện tử, tài xế nộp phạt trực tuyến từ ngày 1/3

Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội sẽ lập biên bản xử phạt điện tử từ ngày 1/3, người vi phạm sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia để nộp phạt trực tuyến.

Trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ hướng dẫn người vi phạm nộp phạt qua mạng

Trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ hướng dẫn người vi phạm nộp phạt qua mạng

Theo Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội), từ ngày 1/3, các đội CSGT khu vực nội thành Hà Nội sẽ triển khai xử phạt vi phạm hành chính theo hình thức không lập biên bản giấy.

Lực lượng chức năng sẽ ghi thông tin để nhập lên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Sau đó người vi phạm sẽ nộp phạt qua mạng khi nhận được tin nhắn qua điện thoại. CSGT sẽ chuyển sang xử lý bằng công nghệ, người dân có thể nộp phạt trực tuyến.

Đại tá Dương Đức Hải cho biết, thông thường, để xử lý một lỗi vi phạm, nếu phải giữ bằng lái, giấy tờ xe, CSGT phải ghi ít nhất 2 biên bản, biên bản hiện trường và biên bản tạm giữ giấy tờ. Người dân được hẹn ngày đến trụ sở công an làm việc, tiếp đến ra kho bạc nộp tiền, rồi trở lại trụ sở công an làm việc và nhận giấy hẹn.

Cuối cùng, đến hết thời gian hẹn, người vi phạm lại đến trụ sở công an nhận lại giấy tờ bị tạm giữ. Với hình thức này, người vi phạm mất ít nhất 4 lần đi lại.

Với hình thức xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công, người dân không phải đi lại một lần nào, chỉ việc tra cứu trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt.

Thanh tra các dự án điện phát triển trong 10 năm qua

Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện các công trình, dự án điện phát triển trong 10 năm qua (2011 - 2021).

Quyết định của Thanh tra Chính phủ đã được gửi tới các địa phương vừa qua có phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, điện gió...

Quyết định của Thanh tra Chính phủ đã được gửi tới các địa phương vừa qua có phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, điện gió...

Theo quyết định vừa được Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký, cơ quan này sẽ thanh tra các dự án điện phát triển từ năm 2011 đến 2021. Đây là các dự án thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Việc thanh tra sẽ tiến hành trong 85 ngày làm việc, tập trung vào chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng của các công trình, dự án điện này. Khi cần thiết, có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Quyết định này đã được gửi tới UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Bạc Liêu và Đăk Nông. Đây là các địa phương vừa qua có sự phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, điện gió...

Sự phát triển và bổ sung quy hoạch nhiều dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà vừa qua đã gây quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải điện. Điều này dẫn tới việc nhiều nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm công suất phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm giảm động lực phát triển của loại hình năng lượng này.

Năm ngoái, Bộ Công Thương đã thanh tra các dự án điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà tại 10 địa phương được phản ánh có sự phát triển nóng. Kết quả chưa được công bố, song theo cơ quan này, quá trình kiểm tra tại một số địa phương phát hiện nhiều sai phạm trong phát triển điện mặt trời mái nhà.

Nhiều tuyến đường BOT giảm doanh thu

Một số dự án BOT như Quốc lộ 1 qua TP. Bạc Liêu, tuyến tránh TP. Phủ Lý, tuyến tránh Sóc Trăng chỉ đạt doanh thu 60 - 70% so với năm trước.

54 dự án BOT trên các tuyến quốc lộ do ngành giao thông quản lý có doanh thu thu phí năm 2021 giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với năm 2020

54 dự án BOT trên các tuyến quốc lộ do ngành giao thông quản lý có doanh thu thu phí năm 2021 giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với năm 2020

Theo Tổng cục Đường bộ, 54 dự án BOT trên các tuyến quốc lộ trên cả nước do ngành giao thông quản lý có doanh thu thu phí năm 2021 là 11.200 tỷ đồng, giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với năm 2020.

Trong đó, nhiều dự án bị giảm mạnh doanh thu, chỉ đạt 60 - 70% so với năm 2020 như Dự án Đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 phía Bắc TP. Bạc Liêu; tuyến Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp; Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 và tuyến tránh TP. Sóc Trăng; tuyến tránh TP. Phủ Lý; Dự án cầu Việt Trì - Ba Vì; đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610 qua tỉnh Đắk Lắk; cầu Mỹ Lợi; cầu Rạch Miễu.

Các tuyến đường có lưu lượng lớn cũng bị giảm doanh thu như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đạt 84%, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt 89% so với năm trước đó.

Trong khi đó, một số dự án BOT có doanh thu tăng nhẹ như Dự án Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam tăng 125%; hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia tăng 117%; Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên tăng 141%; Quốc lộ 26 qua tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk tăng 121% so với năm 2020.

Theo chủ đầu tư một số dự án BOT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lưu lượng phương tiện đi lại trên các tuyến đường giảm mạnh trong năm 2021, nhiều trạm BOT phải tạm dừng thu phí trên địa bàn bị giãn cách…

Bộ Công an đề nghị chưa thay đổi quy định cấp bằng lái xe

Do chưa có sự đồng thuận cao, Bộ Công an đề xuất chưa thay đổi cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe để tiếp tục tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn.

Bộ Giao thông vận tải tổ chức sát hạch và cấp bằng lái xe

Bộ Giao thông vận tải tổ chức sát hạch và cấp bằng lái xe

Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo gửi Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Theo Dự án luật được Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo Chính phủ, Bộ Công an đã nêu ý kiến về vấn đề được dư luận quan tâm và gây nhiều tranh cãi là cơ quan nhà nước nào quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Theo đó, từ tháng 1 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến về vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án luật, gồm sự cần thiết ban hành luật; phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe…

Văn phòng Chính phủ nêu rõ, dù Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành đã thống nhất chuyển giao nhưng trong bối cảnh chưa có sự thống nhất, đồng thuận cao, Bộ Công an đề xuất chưa thay đổi cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe để tiếp tục tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn.

Liên quan vấn đề này, một số đơn vị cho rằng, thời gian qua, ngành giao thông đã quản lý tốt công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Các trung tâm sát hạch được hiện đại hóa, tăng chất lượng giám sát. Nhiều nước trên thế giới công nhận giấy phép lái xe của Việt Nam.

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hầu hết việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở các nước trên thế giới do cơ quan dân sự quản lý. Ngành giao thông đã hình thành hệ thống quản lý sát hạch, cơ sở dữ liệu cấp giấy phép lái xe, giờ chuyển sang ngành công an có thể phải đầu tư mới, tốn kém ngân sách nhà nước.

Xung đột giữa nhà mạng và ngân hàng quanh phí SMS Banking

Ngân hàng than lỗ vì cước phí SMS Banking cao, nhà mạng cũng đau đầu vì bài toán bớt lợi nhuận hay giữ chân khách hàng.

Tin nhắn báo mã OTP là một hình thức xác thực phổ biến hiện nay

Tin nhắn báo mã OTP là một hình thức xác thực phổ biến hiện nay

Lâu nay, khách hàng đều quen thuộc với việc nhận thông báo thay đổi số dư và mã xác thực một lần OTP bằng tin nhắn. Tuy nhiên, các ngân hàng phải trả phí SMS này cho nhà mạng với mức giá đắt gấp ba so với thông thường.

Mobifone và Vinaphone thu của các ngân hàng 820 đồng một tin nhắn, Viettel thu 785 đồng một tin nhắn. Phí SMS cao cộng với lượng giao dịch online ngày một tăng khiến nhiều nhà băng gánh lỗ trăm tỷ vì dịch vụ này.

Việc tiếp tục miễn các loại phí giao dịch qua tài khoản online khiến các tổ chức tín dụng không còn nguồn thu để bù lỗ cho khách hàng sử dụng SMS Banking như trước đây.

Một vài nhà băng lớn gần đây buộc phải tăng phí dịch vụ SMS Banking thu trên khách hàng, cao nhất lên tới 82.500 đồng/tháng. Điều này gây ra làn sóng phản ứng từ nhiều người dùng dịch vụ ngân hàng.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng, trên thực tế, các ngân hàng thu phí SMS Banking để trả tiền cho nhà mạng và họ không có lời từ dịch vụ này. Nhiều ngân hàng trước đây bù đắp phần lỗ từ dịch vụ SMS Banking nhờ thu phí giao dịch online của khách hàng...

Để bù đắp chi phí và giúp khách hàng tránh được những rủi ro lừa đảo qua SMS brandname, các ngân hàng đã và đang khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng các tiện ích của ngân hàng số và sử dụng xác thực giao dịch thông qua Smart OTP.

Vì vậy, các nhà băng đề nghị nhà mạng xem xét thu mức phí SMS Banking sao cho hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp viễn thông, tổ chức tín dụng và khách hàng. Bên cạnh đó, việc giảm phí SMS Banking cũng góp phần thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp taxi sẽ tăng giá cước nếu xăng không hạ nhiệt

Theo các doanh nghiệp taxi, nếu nhà chức trách không đưa ra phương án giảm thuế môi trường để kìm giá xăng, họ buộc phải điều chỉnh giá cước.

Tài xế taxi chờ khách trên đường phố Hà Nội

Tài xế taxi chờ khách trên đường phố Hà Nội

Sau lần tăng thêm gần 1.000 đồng/lít hôm 21/2, cộng với 4 lần điều chỉnh liên tiếp trước đó, giá xăng RON 95 đã cán mốc 26.280 đồng, vượt "đỉnh" của tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít). So với giữa tháng 12/2021, giá xăng loại này đắt hơn 3.480 đồng/lít. Tương tự, xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 3.450 đồng/lít, cao nhất 8 năm qua.

Ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết, áp lực giá xăng lần này đè nặng doanh nghiệp khi giá mặt hàng này chưa có điểm dừng. Hầu hết doanh nghiệp taxi ở TP.HCM đứng trước nguy cơ buộc phải tăng giá cước nếu Chính phủ không điều chỉnh thuế, phí xăng dầu trong tuần tới.

Tương tự, Tập đoàn Mai Linh cũng cho biết đang không "gồng" nổi các loại chi phí. Ngoài giá nhiên liệu đầu vào đang tăng ở mức hai con số, các chi phí khác trong mùa dịch mà họ phải gánh cũng tăng lên.

Theo tính toán của Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, chi phí xăng dầu đang chiếm 30 - 35% tổng chi phí mỗi cuốc xe di chuyển. Đợt tăng lần thứ năm liên tiếp đang khiến chi phí nhiên liệu đầu vào của ngành này tăng tương ứng 13,8%. Do đó, nếu nhà điều hành không giảm thuế, phí để hạ giá xăng trong nước, các doanh nghiệp taxi thống nhất sẽ tăng giá cước ở mức 5 - 8%, tức 500 - 800 đồng mỗi km.

Một số doanh nghiệp taxi cũng cho rằng, cần giảm thuế môi trường với xăng, dầu "càng sớm càng tốt". Hiện, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 ở mức 3.800 đồng/lít, còn xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít.

Công an vào cuộc vụ dựng rạp rao bán đất nền ở Bình Phước

Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đang xác minh làm rõ hành vi của nhóm người liên quan vụ việc dựng rạp rao bán đất nền gây xôn xao dư luận.

Cả trăm người tham gia vụ dựng rạp rao bán đất nền ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Cả trăm người tham gia vụ dựng rạp rao bán đất nền ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Ngày 26/2, Công an huyện Lộc Ninh cho biết đang xác minh, xử lý theo quy định vụ nhóm người môi giới bất động sản dựng rạp rao bán đất nền xảy ra ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh ngày 20/2 gây xôn xao dư luận.

Công an huyện Lộc Ninh xác định nhóm người này có dấu hiệu vi phạm Nghị định 16 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Dự kiến, đầu tuần tới, Công an huyện Lộc Ninh sẽ có kết luận về vụ việc.

Trước đó, ngày 20/2, khoảng 100 người đã tham gia chương trình rao bán đất nền "Dự án Lộc Khánh" ở khu đất tại Tổ 5, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Linh, tỉnh Bình Phước.

Nhân viên công ty bất động sản liên tục từ khu lều bạt chạy đến chỗ MC nói "lô 4, lô 5, lô 13, lô 19, 29... khách đặt cọc rồi nhé". Sau đó, MC thông báo lại lên loa lô đã chốt cọc trong tiếng nhạc inh ỏi. Chỉ trong 4 phút, hơn 10 lô đất đã được khách đặt cọc. Video đăng tải trên mạng khiến nhiều người quan tâm, chia sẻ, bình luận.

Người dân địa phương cho biết, khu này vốn là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, người mua sau đó đã tách thửa, phân lô. Khu đất gọi là Dự án Lộc Khánh về hạ tầng vẫn chưa có gì, chỉ là hàng rào kẽm gai được dựng lên và một đống đá nhỏ, ụ đất chôn cọc chia lô để bán, mỗi ô có chiều ngang 5m. Vị trí đất này nằm cách UBND xã Lộc Khánh khoảng 6km, thưa thớt người dân sinh sống.

Ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho hay, hiện nay, trên địa bàn xã chưa có bất cứ một dự án khu dân cư, khu nhà ở thương mại nào được cấp phép, hoàn thành pháp lý và được mở bán...

Chuyên đề