Sau bỏ cọc, giá đất ở Thủ Thiêm sẽ cân bằng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường bất động sản khu Đông TP.HCM, tức TP. Thủ Đức hiện nay, đã có sự biến động nhất định sau vụ 2 doanh nghiệp đấu giá đất ở Thủ Thiêm bỏ cọc nhưng thời gian tới sẽ cân bằng trở lại.
Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường bất động sản khu vực đã cơ bản ổn định trở lại. Ảnh: Internet
Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường bất động sản khu vực đã cơ bản ổn định trở lại. Ảnh: Internet

Sau khi thương vụ đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm diễn ra ngày 10/12/2021 kết thúc, với giá trúng cao gấp hơn 7 lần so với khởi điểm, những chủ đầu tư và khách hàng sở hữu bất động sản ở Thủ Thiêm nói riêng và TP. Thủ Đức nói chung sướng hơn cả vớ được vàng ròng. Vụ đấu giá nói trên đã đẩy giá bất động sản ở các khu vực này lên một mức mới, mà theo tính toán của các chuyên gia là trên mức 10 - 15%.

Ba phân khúc "ăn nên làm ra" nhất có thể kể đến là nhà phố/biệt thự, đất nền và căn hộ cao cấp. Những dự án căn hộ như Sunshine Venicia Thủ Thiêm có giá khoảng 150 triệu đồng/m2; Dự án The River Thủ Thêm có giá khoảng 110 triệu đồng/m2 đều ghi nhận mức thanh khoản tốt, do có vị trí nằm ngay trong khu vực có "đất vàng" đang đấu giá. Loại hình căn hộ hạng sang tại TP.HCM đã xác lập mặt bằng giá mới, có nơi lên đến gần 400 triệu đồng/m2.

Một chủ đầu tư đang triển khai dự án ở khu vực Thủ Thiêm cho biết, do vướng pháp lý, nên những năm trước đây, dù đã dự định 2 lần đưa sản phẩm ra thị trường nhưng chưa bán được, nay giá đã tăng gấp mấy lần so với các đợt trước. Đằng sau câu chuyện “hay không bằng hên” này còn cho thấy, những chủ đầu tư và khách hàng đang sở hữu nhà, đất, căn hộ ở khu vực này giá trị tài sản sẽ “phình” ra theo thời gian.

Gần đây, khi việc hai doanh nghiệp xin bỏ cọc lần lượt được công bố, giá bất động sản ở các khu vực này tuy chững lại nhưng vẫn không giảm. Theo báo cáo của DKRA Vietnam, sở dĩ như vậy là vì trong năm 2022, tại TP.HCM, khu Đông vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung của loại hình bất động sản gắn liền với đất. Những dự án nằm trong khu đô thị lớn, có hạ tầng giao thông kết nối tốt, được quy hoạch bài bản bởi chủ đầu tư uy tín và có giá trị khoảng 15 tỷ đồng/căn sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Rõ ràng, bên cạnh những lợi ích đạt được, việc đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại. Bộ Xây dựng cho rằng, kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất nói trên đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường bất động sản của khu vực Thủ Thiêm. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất này, giá rao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng, tuy nhiên ghi nhận giao dịch rất ít. Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường bất động sản khu vực đã cơ bản ổn định trở lại.

Câu chuyện “Đấu giá đất Thủ Thiêm - Hiệu quả và hậu quả” cũng đã được ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản việt Nam lên tiếng mới đây trên công luận. Bởi theo ông Doanh, cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm với những kỳ vọng rất cao ban đầu đến nay có thể nói là đã… “phá sản”, kéo theo rất nhiều hệ lụy, mà rõ ràng nhất là thị trường bất động sản tiếp tục rơi vào tình trạng cung không đáp ứng cầu, khiến giá cả tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ chủ đầu tư, Tổng giám đốc của một doanh nghiệp bất động sản lớn ở TP.HCM hy vọng rằng, sự việc đấu giá đất Thủ Thiêm như những gì đã diễn ra thời gian qua chỉ mang tính đột biến. Sau khi thị trường bình ổn, tác động của việc đấu giá, bỏ cọc không còn ảnh hưởng trong dài hạn, bởi thị trường vẫn sẽ vận hành theo đúng cơ chế cung - cầu. Hiện tại, khu vực Thủ Thiêm và khu Đông đang khởi động một số chiến lược lớn để phát triển theo định hướng, kế hoạch đã đề ra nên sẽ tác động tích cực tới thị trường khu vực này.

Chuyên đề