Trong Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022 được ban hành vào 30/1, Chính phủ đã quyết định đổi tên dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành Luật Đường bộ và dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an được yêu cầu tiếp tục tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, địa phương; tăng cường thông tin đến các trường hợp điều chỉnh đồng thời tiếp thu chỉnh lý hoàn thiện 2 dự án luật sao cho không chồng chéo, trùng lấp hoặc bỏ trống; không quy định về tổ chức bộ máy trong dự án luật.
Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an cần tiếp tục phân tích, đánh giá khách quan. “Nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đảm bảo có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, như vậy sẽ thuyết phục hơn”, lãnh đạo Chính phủ nêu.
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu theo hướng giao Bộ Công an phối hợp giám sát việc cấp bằng lái xe. |
Chính phủ yêu cầu nội dung sửa đổi của Luật Giao thông đường bộ cần thể hiện rõ hơn chủ trương tăng cường phân cấp phân quyền cho địa phương. Trong đó việc quản lý đường bộ, đường cao tốc điều chỉnh theo hướng giao cho cấp quản lý có hiệu quả hơn. Việc phân cấp, phân quyền phải gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Trước đó tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hai lần gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Kết quả, đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tách luật Giao thông đường bộ hiện hành và chuyển thẩm quyền sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Tại buổi tọa đàm hôm 25/1 vừa qua, thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh quan điểm của Bộ Công an là cầu thị lắng nghe, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật báo cáo Chính phủ để xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022).
Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Thực tiễn đã có nhiều vận động, thay đổi, đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và trật tự, an toàn giao thông.