Áp lực kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay chưa đáng ngại so với con số mục tiêu của cả năm. Tuy nhiên, giá cả nhiều hàng hóa nguyên liệu đầu vào tăng mạnh cùng với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu cả năm là những yếu tố thách thức nỗ lực kiểm soát lạm phát trong nửa cuối năm nay.
Xu hướng tăng giá hàng hóa đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là giá nguyên vật liệu tăng vọt, sẽ đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng đáng kể. Ảnh: Quang Tuấn
Xu hướng tăng giá hàng hóa đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là giá nguyên vật liệu tăng vọt, sẽ đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng đáng kể. Ảnh: Quang Tuấn

Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4 tăng 2,7%; CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, mức tăng CPI từ đầu năm đến nay là phù hợp với cách điều hành giá cả thị trường của Chính phủ và chưa gây lo ngại với mục tiêu kiểm soát CPI cả năm 4%. Tuy nhiên, điều đáng ngại là xu hướng tăng giá của hàng hóa đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là giá nguyên vật liệu tăng vọt đang “ngấm” và sẽ đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng đáng kể trong thời gian tới. Đây là thách thức với công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm nay.

Mặt khác, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I ở mức thấp so với mục tiêu cả năm, nên nhiều khả năng sẽ có các giải pháp nới lỏng tiền tệ, tài khóa để hướng tới mức tăng trưởng mục tiêu. Đây cũng là điểm cần quan tâm và cân đối trong kiểm soát lạm phát.

Liên quan nội dung này, báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5 vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố cho biết: “Do sự phục hồi của cầu tiêu dùng và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, chi phí đầu vào trên toàn cầu đã tăng mạnh trong vài tháng gần đây. Lạm phát do chi phí đẩy là mối quan ngại chính trong nửa cuối năm 2021”.

Theo tổng hợp của hãng phân tích dữ liệu thị trường IHS Markit, trong tháng 3/2021, chỉ số giá nguyên liệu đầu vào đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2008, dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn và chuyển thành chi phí cho khách hàng. IHS Markit cho rằng, tình trạng khan hiếm nguồn cung đã khiến chi phí đầu vào của các nhà sản xuất Việt Nam tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm nay. Chi phí sản xuất tăng kỷ lục xuất hiện ở nhiều ngành như thức ăn chăn nuôi, thép, giấy, hóa chất…

Theo VDSC, hiện tại, cả doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thịt gia súc, gia cầm đều đang bị ảnh hưởng bởi sự tăng mạnh từ chi phí đầu vào. Nếu chi phí sản xuất tiếp tục tăng, gánh nặng sẽ chuyển sang người tiêu dùng, đồng thời góp phần làm tăng CPI năm 2021.

Đối với ngành thép, giá thép bị đẩy lên cao bởi tình trạng khan hiếm quặng sắt và việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng đầu ra. Mặc dù giá thép tăng mạnh đã giúp các nhà sản xuất thép trong nước ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2021, nhưng giá thép tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực xây dựng và nhà ở.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, năm 2021 giá cả một số mặt hàng rất khó đoán định, đặc biệt các mặt hàng nguyên liệu đầu vào của sản xuất, kinh doanh như xăng dầu, sắt thép… Bên cạnh đó, công tác điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá tiếp tục phải thực hiện theo lộ trình, như dịch vụ công (y tế, giáo dục) cũng là áp lực đối với công tác điều hành giá năm 2021. Đáng chú ý, dự báo tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tác động tới công tác điều hành giá cả.

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành theo chức năng tiếp tục bám sát tình hình giá cả thị trường để có điều hành cụ thể. Đơn cử như mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu.

Đối với mặt hàng điện, cần đánh giá kỹ yếu tố chi phí tác động đến giá thành để xem xét mức độ ảnh hưởng đến giá điện, qua đó có kịch bản điều hành phù hợp. Ngoài ra, các bộ, ngành, theo chức năng, nhiệm vụ, cần nỗ lực hơn để tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh.

“Cần ưu tiên kiểm soát lạm phát trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để giữ đà tăng trưởng bền vững. Khi kinh tế tăng trưởng trên nền lạm phát được kiểm soát sẽ gia cố hơn cho sự vững chắc của kinh tế vĩ mô”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Còn theo ông Ngô Trí Long, trong giai đoạn hiện nay, để đạt được cả mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng tích cực, cần thực hiện tốt các giải pháp kiểm soát cung cầu hàng hóa, giá cả trên thị trường, đồng thời, linh hoạt và thận trọng với các chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ.

Chuyên đề