ACV tất bật với dự án nghìn tỷ

(BĐT) - Là doanh nghiệp (DN) quản lý và khai thác các sân bay dân dụng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được coi là DN “hot” nhất ngành hàng không với doanh thu và lợi nhuận khủng. Năm 2016, theo dự kiến, ACV sẽ triển khai hàng loạt dự án nghìn tỷ.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Lợi nhuận khủng

Sáng nay (16/3/2016), ACV tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 – cuộc họp đầu tiên sau khi Tổng công ty này IPO thành công vào tháng 12 năm ngoái. Một trong nhiều nội dung quan trọng là lấy ý kiến về phương án chào bán cổ phần (CP) cho nhà đầu tư chiến lược AdP (Pháp). Cuối năm 2015, 77,8 triệu CP của ACV đã IPO thành công, thu về hơn 1.100 tỷ đồng.

ACV đang quản lý 22 sân bay trên cả nước, bao gồm 7 sân bay quốc tế và 15 sân bay quốc nội, trong đó 21 sân bay đang khai thác.

Trong 4 năm, từ mức lợi nhuận 876 tỷ đồng năm 2011, ACV đã đạt 2.511 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2014. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt 20%/năm.

Năm 2015, ACV ước lợi nhuận trước thuế đạt 2.155 tỷ đồng. Trong năm, Tổng công ty đã đưa một số dự án hoàn thành vào khai thác như Nhà ga hành khách T2 Nội Bài (tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng), Nhà ga hành khách Vinh (tổng mức đầu tư 498 tỷ đồng), mở rộng Nhà ga hành khách quốc nội Tân Sơn Nhất (tổng mức đầu tư 499 tỷ đồng),… Chi phí năm 2015 tăng 31,5% so với năm 2014, đạt 9.721 tỷ đồng do tăng chi phí khấu hao cho các dự án nói trên.

ACV cũng trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu 12.095 tỷ đồng, tăng 5,13% so với kết quả thực hiện năm 2014. Lợi nhuận dự kiến giảm nhẹ, đạt 2.056 tỷ đồng – chưa tính đến ảnh hưởng chênh lệch tỷ giá. Lợi nhuận kế hoạch của ACV sụt giảm do biến động tăng một số chi phí đầu vào như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, chi phí điện, chi phí khấu hao…

Với mức lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, mức lương đề xuất cho các vị trí lãnh đạo của ACV tương đối cao. Theo Tờ trình ĐHCĐ, mức lương cho 2 thành viên chuyên trách trong 9 tháng (từ 1/4/2016 - 31/12/2015) là 119,5 triệu đồng/người/tháng. 2 thành viên chuyên trách Ban kiểm soát sẽ nhận lương khoảng 84,3 triệu đồng/người/tháng.

Không ngừng mở rộng đầu tư

Theo kế hoạch được trình ĐHCĐ, ACV dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cảng hàng không trong cả nước theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án được chú ý nhất chính là Sân bay Long Thành – dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư. Theo quyết định của Thủ tướng, ACV sẽ chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của DN để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Mang tầm vóc của một siêu dự án, chỉ riêng chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 nếu không sử dụng các nguồn vốn tài trợ sẽ lên đến 35,1 triệu USD. Tổng mức đầu tư cho toàn dự án là 336.630 tỷ đồng, trong đó riêng giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng.

ACV đang thực hiện các thủ tục sơ tuyển nhà tư vấn để xây dựng Báo cáo khả thi, dự kiến hoàn thành vào quý 3/2017. Sân bay Long Thành cũng là dự án ACV cho biết sẽ tập trung và ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển. Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, công trình được dùng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn cổ phần hóa DN nhà nước của ngành hàng không, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), vốn DN và những loại vốn khác.

Trong năm 2016, tổng kinh phí dự kiến cho đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là hơn 5.800 tỷ đồng, bao gồm các dự án đang đầu tư chuyển tiếp sang năm 2016 và các dự án đầu tư mới trong năm 2016. Dự án “ngốn” nhiều tiền nhất của ACV trong năm 2016 là Dự án Mở rộng Nhà ga quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với tổng mức đầu tư 2.311 tỷ đồng và dự chi trong năm 2016 là 1.066 tỷ đồng. 

Tập đoàn Sân bay Pháp vào cuộc, ACV sẽ thu về 2.200 tỷ đồng?

Ngoài dự án Sân bay Long Thành, một trong những nội dung đáng chú ý của phiên họp ĐHCĐ thường niên lần này là phương án chào bán 166,16 triệu CP cho nhà đầu tư chiến lược Aéroport de Paris (AdP) – tập đoàn quản lý sân bay đến từ Pháp. Với mức giá khởi điểm đàm phán 13.100 đồng/CP (mức giá trúng thấp nhất trong đợt IPO tháng 12 vừa qua), AdP sẽ phải chi gần 2.200 tỷ đồng để nắm giữ 7,4% CP của ACV.

Tập đoàn này tỏ ra khá sốt sắng trong việc sở hữu CP ACV. Ngay sau khi phương án cổ phần hóa ACV được Thủ tướng Chính phủ thông qua, AdP đã nhanh chóng gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề xuất ý định này. Theo ghi nhận, những cuộc tiếp xúc giữa tập đoàn này với Bộ Giao thông vận tải đã được diễn ra ngay từ đầu năm 2014.

Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của ACV dự kiến đạt 22.431 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 75% vốn. 448,6 triệu CP, tương đương 20% vốn điều lệ sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược. Như vậy, ngoài AdP, ACV vẫn để ngỏ khả năng đón thêm nhà đầu tư chiến lược.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư