Lễ mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật Gói thầu Mua sữa tại Hà Nội với sự tham gia của 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, gồm: Công ty CP Thực phẩm sữa TH (TH Milk Food), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty TNHH Thịnh Anh. Ngoại trừ Thịnh Anh, Vinamilk và TH Milk Food là 2 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sữa hàng đầu Việt Nam.
Thực phẩm sữa TH
TH Milk Food là một công ty con của Tập đoàn TH, được thành lập vào tháng 2/2009, cùng với Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH (TH Food Chain), Công ty CP sữa TH (TH Milk) tạo ra hệ thống kinh doanh khép kín để sản phẩm sữa của Tập đoàn TH có mặt trên thị trường. Cụ thể, TH Milk Food phát triển trang trại bò sữa và cung cấp nguyên liệu, TH Milk sản xuất ra các sản phẩm sữa và TH Food Chain có nhiệm vụ phân phối sản phẩm. TH Milk Food hiện có vốn điều lệ là 3.800 tỷ đồng.
Theo giới thiệu tại website Công ty, TH sở hữu đàn bò sữa 45.000 con, trên diện tích trang trại rộng 8.100 ha tập trung ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). TH Milk Food cũng đang mở rộng phát triển một số trang trại khác ở các tỉnh: Hà Giang, Phú Yên, Sóc Trăng..., hướng tới mục tiêu đạt quy mô đàn bò sữa là 137.000 con khi kết thúc đầu tư vào năm 2020.
Vẫn theo website của TH, sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK đã chiếm hơn 40% thị phần trong phân khúc sữa tươi tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, TH còn đưa sữa vào bán lẻ qua hệ thống TH true mart.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 (báo cáo gần nhất Báo Đấu thầu có được), doanh thu của TH Milk Food năm 2016 đạt 2.704 tỷ đồng, tăng 1,12% so với năm 2015. Do giảm được chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 725,8 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015. Đồng thời, Công ty cũng tiết giảm được chi phí bán hàng từ 246,6 tỷ đồng xuống còn 61,6 tỷ đồng (giảm 75%). Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 203 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2015.
Vinamilk
Tính đến hết năm 2017, Vinamilk nắm giữ hơn 50% thị phần sữa nước, hơn 80% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần trong ngành hàng sữa bột tại Việt Nam. Hệ thống bán hàng của Vinamilk được thực hiện theo 3 hình thức phân phối là bán buôn, bán lẻ (240.000 điểm bán lẻ) và cửa hàng phân phối trực tiếp (575 cửa hàng). Sản phẩm của Công ty cũng có mặt ở gần 1.500 siêu thị lớn nhỏ, gần 600 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc và kênh thương mại điện tử www.giacmosuaviet.com.vn.
Trong giai đoạn 2014 - 2017, doanh thu của Vinamilk tăng trưởng bình quân 13%/năm (năm 2014: 35.072 tỷ đồng, năm 2015: 40.080 tỷ đồng, năm 2016: 46.794 tỷ đồng, năm 2017: 51.041 tỷ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Công ty lại tăng bình quân 20%/năm (năm 2015: 7.769 tỷ đồng, năm 2016: 9.363 tỷ đồng và năm 2017: 10.287 tỷ đồng).
Công ty TNHH Thịnh Anh
Nhà thầu cuối cùng nộp hồ sơ tham dự gói thầu nói trên là một cái tên khá xa lạ trong ngành kinh doanh sữa của Việt Nam: Công ty TNHH Thịnh Anh.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 10 ngày 13/1/2014, Công ty TNHH Thịnh Anh được thành lập vào tháng 5/1999 và hiện có vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm bà Nguyễn Thị Hải Yến (nắm giữ 70% vốn điều lệ, tương đương 3,5 tỷ đồng) và Nguyễn Hoàng Dương (nắm giữ 30% vốn điều lệ, tương đương 1,5 tỷ đồng). Hiện không có nhiều thông tin được công bố công khai về doanh nghiệp này.
Theo giới chuyên môn, nhà thầu nào trúng gói thầu nêu trên đều có cơ hội mở rộng sản xuất, tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và nâng cao vị thế, uy tín trong ngành. Cho dù nhà thầu nào trúng cũng cần có cam kết về chất lượng và tiến độ cung cấp sản phẩm. Bởi đó là gói thầu có quy mô rất lớn và phục vụ cho đối tượng khách hàng đặc biệt: học sinh tại các trường học.
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục cập nhập thông tin về gói thầu này.