Dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt mức trên 5% |
Điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng quý I/2020
Kết thúc quý I/2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011 – 2020.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, đây vẫn là mức tăng trưởng khá so với bối cảnh dịch COVID-19 có những tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế khu vực và toàn thế giới.
Trong cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong quý I, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.Tuy nhiên, vẫn có một số ngành là điểm sáng như hóa dược liệu; ngành than cốc và dầu mỏ tinh chế; ngành sản xuất linh kiện điện tử.
“Sở dĩ các ngành này vẫn tăng trưởng tốt do Samsung cho ra đời điện thoại thế hệ mới, giúp tiêu thụ tốt. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chuyển nhà máy sản xuất vào Việt Nam, như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng...”- ông Phạm Đình Thúy nhấn mạnh.
5 động lực giúp Việt Nam đạt tăng trưởng GDP trên 5%
Ngay sau khi có số liệu tăng trưởng quý I/2020, Tổng cục Thống kê đã khẩn trương cập nhật lại các kịch bản tăng trưởng dựa trên những diễn biễn của dịch bệnh COVID-19 khởi phát tại Việt Nam từ cuối tháng 1, dựa trên độ mở của nền kinh tế và phù hợp với năng lực của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Thống kê vẫn tính toán kịch bản để Tăng trưởng GDP vẫn đạt được mục tiêu 6,8% trong bối cảnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, rất khó đạt được. Bởi Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn (hàng năm trên 200%) chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài trong khi các nước đối tác lớn đều đang đóng cửa thương mại, biên giới để ưu tiên phòng tránh dịch bệnh nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam, ông Lâm chỉ rõ.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng nhanh chóng cập nhật 2 kịch bản khác được xây dựng dựa trên những dự báo về dịch COVID-19 sẽ kéo dài tới hết quý II và hết quý III/2020.
Với kịch bản 1, dự báo dịch COVID-19 sẽ kéo dài tới hết quý II, tăng trưởng GDP cả năm được dự báo ở mức trên 5%. Kịch bản 2, dự báo dịch COVID-19 sẽ kéo dài tới hết quý III, tăng trưởng GDP cả năm vẫn được dự báo ở mức trên 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1.
Trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm mà Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức dương, 3,82% đã rất đáng tự hào.
Với các kịch bản tăng trưởng này, ông Lâm nhấn mạnh 5 động lực chính sẽ giúp Việt Nam đạt được kết quả trên. Đầu tiên là động lực từ thể chế, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Bởi, tháo gỡ về thể chế sẽ tháo gỡ được giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân 1% vốn đầu tư công sẽ làm cho GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, tháo gỡ nút thắt sẽ nâng tăng trưởng kinh tế”- ông Nguyễn Bích Lâm phân tích.
Hai là, khi giải ngân được vốn đầu tư công sẽ kéo theo vốn đầu tư ngoài nhà nước và FDI giải ngân tiếp. Khi đó, làm thế nào để nâng cao hiệu quả của vốn đầu tư này. “Chúng tôi tính toán, nếu ICOR giảm được 0,5 lần thì GDP tăng được 0,64 điểm phần trăm; nếu hệ số ICOR giảm 1 lần thì GDP tăng thêm được 1,42%. Nên nâng cao hiệu quả vốn đầu tư sẽ là giải pháp trước mắt và dài hạn” – ông Lâm chỉ rõ.
Động lực thứ ba là nâng cao năng suất lao động. Đây là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế bởi năng suất lao động nếu tăng được 1% thì làm GDP toàn nền kinh tế tăng 0,94%; chuyển dịch cơ cấu lao động giảm 5% lao động của khu vực nông, lâm và thủy sản sang khu vực công nghiệp xây dựng tăng 2,5% và khu vực dịch vụ tăng 2,5%, sẽ làm cho GDP toàn bộ nền kinh tế tăng 0,25%.
2 động lực còn lại là, tiêu dùng của hộ dân cư là động lực rất tốt cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị và nhóm động lực tổng hợp được triển khai ngay trong các quý còn lại của năm 2020.