10 chủ đề lớn cần lưu tâm trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế toàn cầu đã không tuân theo kịch bản "hạ cánh cứng" trong năm 2023. Bước sang năm 2024, một bối cảnh kinh tế mới mẻ nhưng cũng không kém phần phức tạp đang bắt đầu thành hình.

Đó là nhận định của ông James Cheo, Trưởng Bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ ngân hàng tư nhân toàn cầu và Quản lý tài sản của HSBC.

Theo ông James Cheo, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã sẵn sàng tâm thế giữ lãi suất ở mức cao trong khi xu hướng tăng trưởng và lạm phát mỗi nơi mỗi khác. Sự phức tạp còn gia tăng thêm bội phần bởi năm 2024 còn diễn ra nhiều cuộc bầu cử, thế giới trở nên đa cực và hai cuộc xung đột chưa rõ hồi kết cũng như mức độ ảnh hưởng.

Dưới đây là 10 chủ đề lớn cần lưu tâm trong năm 2024, theo chuyên gia tại HSBC.

Kịch bản "hạ cánh cứng" sẽ không xảy ra

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ vẫn dưới mức bình thường nhưng động lực tăng trưởng từ nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục "chạy tốt" nhờ nền tảng tiêu dùng mạnh mẽ, đầu tư sôi động nhờ chính sách kích thích của chính phủ và đổi mới công nghệ cũng như trong lĩnh vực y tế. Các dấu hiệu mới nhất từ Mỹ cho thấy, nền kinh tế này sẽ "hạ cánh mềm". Tăng trưởng toàn cầu sẽ đón nhận một số yếu tố thuận lợi trong năm 2024 như thu nhập hộ gia đình thực tế tăng trưởng mạnh mẽ; bớt áp lực do thắt chặt tiền tệ, tài khóa và hoạt động sản xuất phục hồi. "Tựu trung lại, chúng tôi cho rằng những ý kiến dự báo khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu có thể lần này cũng lại không chính xác", ông James Cheo nhận xét.

Lạm phát sẽ tiếp tục trở lại bình thường

Tỷ lệ lạm phát sẽ giảm thêm trong năm 2024. Mặc dù hàng hóa và thị trường lao động đã bình thường hóa trở lại, hiệu ứng giảm phát sẽ còn tiếp tục và lạm phát cơ bản sẽ giảm về gần mức mục tiêu của ngân hàng trung ương. Nhìn chung ở châu Á, tốc độ giảm phát vẫn đang đi đúng tiến độ, lạm phát hiện tại được kỳ vọng sẽ trở lại mức mục tiêu của ngân hàng trung ương trong năm 2024 đối với hầu hết các nước châu Á, tương đối nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Sẵn sàng cho các đợt cắt giảm lãi suất trong nửa sau của năm 2024

Lãi suất gia tăng từng là thách thức số một đối với thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong năm 2023 khi nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian lâu hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát giảm đáng kể, nhiều ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây đã ngừng tăng lãi suất. Các đợt cắt giảm lãi suất ở Mỹ có thể sẽ bắt đầu diễn ra ở nửa sau của năm 2024 dù tốc độ và mức độ cắt giảm có thể thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Nhưng rõ ràng lãi suất đã chạm đỉnh và những đợt cắt giảm lãi suất tiềm năng sẽ giúp làm dịu bớt những biến động về lãi suất và hỗ trợ định giá tài sản.

Năm bầu cử lại gia tăng thêm những biến số

2024 sẽ là một năm bận rộn với một loạt các cuộc bầu cử diễn ra trên toàn cầu. Rất khó để dự đoán được kết quả bầu cử nhưng dù thế nào kết quả này chắc chắn sẽ tạo ra biến động hai chiều lên các thị trường. Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc tranh cử ở Mỹ vào tháng 11.

Đồng USD sẽ vẫn mạnh

Chúng tôi kỳ vọng đồng USD tiếp tục mạnh trong năm 2024 do tăng trưởng toàn cầu giảm nhẹ và lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn một chút. Thêm nữa, tăng trưởng của Mỹ cũng mạnh mẽ hơn tạo điều kiện thuận lợi cho "đồng bạc xanh". Giảm phụ thuộc vào đồng USD có thể sẽ trở thành xu hướng phổ biến trong năm 2024 nhưng ít khả năng xảy ra sớm, xu hướng này sẽ gây ít rủi ro về thay đổi trật tự tiền tệ toàn cầu trong tương lai gần.

Dấu hiệu phục hồi của Trung Quốc

Tăng trưởng của Trung Quốc đang bị kìm hãm bởi những trở ngại trong lĩnh vực bất động sản, nhưng chi tiêu gia tăng sẽ giữ tăng trưởng không xuống quá thấp. "Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh tiêu dùng dịch vụ đang tăng lên, giúp tổng thể hoạt động kinh tế trong nước đi lên. Tăng trưởng trong ngắn hạn ở Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhờ có thêm các chính sách kích thích, nhưng tình hình tăng trưởng giảm tốc kéo dài nhiều năm của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn", ông James Cheo nhận định.

Sự tỏa sáng của ASEAN và Ấn Độ

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chậm lại, các cơ hội tăng trưởng "trăm năm có một" đang mở ra ở Nam Á nhờ hậu thuẫn từ quá trình định hướng lại chuỗi cung ứng toàn cầu và điều kiện nhân khẩu học thuận lợi. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đang thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ và ASEAN nhằm tận dụng được dân số trong độ tuổi lao động trẻ trung và dồi dào của những nước này để cải thiện lợi thế về chi phí.

Ở Ấn Độ, xuất khẩu dịch vụ tăng vọt 10,8% lên 28,03 tỷ USD trong tháng 10/2023 nhờ sự phát triển của Trung tâm Năng lực toàn cầu do các công ty đa quốc gia thiết lập tại đây. Ở ASEAN, Indonesia và Thái Lan là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng FDI vào mảng xe điện; còn Singapore, Việt Nam và Malaysia có cơ hội giành được lợi ích từ dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào các ngành điện tử tiêu dùng và công nghệ.

Tăng cường nắm giữ cổ phiếu Mỹ để hưởng lợi từ "hạ cánh mềm"

Định giá các cổ phiếu công nghệ cao được bảo đảm nhờ tăng trưởng mạnh mẽ trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, robot và chuyển dịch năng lượng mới. Nếu Mỹ "hạ cánh mềm", nền kinh tế vững vàng sẽ hỗ trợ cho các ngành khác như y tế, tài chính và hàng tiêu dùng. "Năm 2024, chúng ta sẽ chúng kiến nhiều cổ phiếu dẫn đầu về tăng trưởng chất lượng xuất hiện trong lĩnh vực công nghệ cũng như những ngành khác", ông James Cheo nhận xét.

Sáng tạo AI sẽ trở thành xu hướng chính thống

AI và AI tạo sinh đã định hình lại thế giới qua sự tiến hóa vũ bão của các mô hình ngôn ngữ lớn, làm thay đổi các doanh nghiệp cũng như hành vi người tiêu dùng. Tác động của AI, robot và tự động hóa sẽ trở thành xu hướng chính thống trong nhiều ngành nghề chứ không riêng gì công nghệ, từ sản xuất và ô-tô đến bán lẻ và chăm sóc y tế. AI sẽ tự động hóa các tác vụ lặp lại, nâng cao trải nghiệm khách hàng và khuyến khích sáng tạo. Chẳng hạn, ngành chăm sóc sức khỏe đã bắt đầu sử dụng robot và AI trong phẫu thuật để thực hiện các thủ thuật phức tạp với độ chuẩn xác và chính xác cao.

Thuốc điều trị béo phì - một bước ngoặt của ngành y tế

Nhu cầu đối với thuốc điều trị béo phì sẽ tăng mạnh trong năm 2024. Béo phì được coi là căn nguyên của nhiều bệnh như bệnh tim và tiểu đường. Những thử nghiệm y tế gần đây đã giúp nâng hiệu quả của thuốc điều trị béo phì. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thiếu hụt nguồn cung thuốc điều trị béo phì có thể dẫn đến hạn chế tăng trưởng của ngành. "Tin vui là ngành này đã nhanh chóng mở rộng kế hoạch dự phòng để mở ra những lựa chọn điều trị mới bao gồm thuốc uống thay vì thuốc tiêm hàng tuần", ông James Cheo cho biết.

Chuyên đề