Xử lý nợ xấu, cần hành lang pháp lý mới

(BĐT) - Nợ xấu - “cục máu đông” của nền kinh tế tại các tổ chức tín dụng mới chỉ được khoanh lại, thậm chí có nguy cơ tăng trở lại tại một số ngân hàng, cùng với đó là việc xử lý chưa thực sự triệt để, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Việc xử lý nợ xấu thời gian qua chưa được như mong đợi. Ảnh: Tiên Giang
Việc xử lý nợ xấu thời gian qua chưa được như mong đợi. Ảnh: Tiên Giang

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, thị trường tài chính của chúng ta đang méo mó, chưa phải là thị trường tài chính thực sự. Việc xử lý nợ xấu được bàn nhiều và đã triển khai trong thời gian qua, nhưng nợ xấu ngân hàng mới xử lý được rất ít, chủ yếu vẫn là khoanh nợ.

Theo thông tin vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Tính đến 31/12/2014, tổng nợ xấu toàn hệ thống là 145,2 nghìn tỷ đồng (tăng 28,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng với tăng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ. Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu thông qua việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC mới bán được 79,61 nghìn tỷ đồng trong tổng số 143,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý; xử lý 28 khoản nợ tương ứng với 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua.

Cho ý kiến về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, VAMC là một công cụ và sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc làm sạch bảng cân đối kế toán tạm thời cho các ngân hàng. Nhưng VAMC cũng chỉ mua nợ xấu của các ngân hàng, khó xử lý nợ xấu được một cách triệt để và nhanh như kỳ vọng, vì chưa có đầu ra.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận, một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ lên lãi suất của Việt Nam hiện nay là nợ xấu. Theo ông Thành, nếu nhìn vào tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng được NHNN công bố thì tới cuối tháng 6/2016, nợ xấu là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào hồi tháng 5. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, dù tỷ lệ nợ xấu đều dưới 3%, nợ xấu đã gia tăng trong nửa đầu năm nay. 

Cần một thị thường thực sự

Đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, song cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh gây lãng phí, thất thoát tiền thuế của dân
Nhìn nhận về việc giải quyết nợ xấu vừa qua, Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến cho rằng, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Việc xử lý nợ xấu đã mua của VAMC còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Dưới góc nhìn khác, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu “chôn” vào các tài sản bảo đảm. Số nợ xấu này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường kinh tế. “Nợ xấu không được giải quyết, hệ thống ngân hàng sẽ không mạnh lên được, không giảm được lãi suất, doanh nghiệp càng khó khăn…”, ông Đức cảnh báo.

Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính đồng quan điểm: “Chúng ta cứ nói cục máu đông, nhưng không tìm được lối thoát thực sự cho nó thì thị trường tín dụng sẽ còn tắc nghẽn, không có cách nào khơi thông thị trường. Doanh nghiệp tiếp tục khó khăn”.

Vậy “cây gậy thần” giải quyết triệt để nợ xấu thực sự đang nằm ở đâu? Ông Đức cho rằng: “Chuyện của thị trường vẫn nên để thị trường quyết định. Nhà nước nên tạo điều kiện cho thị trường, hỗ trợ để thị trường phát triển đúng hướng”. Để xử lý triệt để nợ xấu, cần chấp nhận luật chơi của thị trường, phải tạo ra một hành lang pháp lý mới nhằm cho phép các doanh nghiệp mua bán nợ thuận tiện, theo đó những vướng mắc trong giải quyết tài sản bảo đảm hiện nay sẽ được giải quyết”.

Trước đề xuất dùng vốn ngân sách nhà nước xử lý nợ xuất nêu ra tại Dự thảo Đề án, ông Đức nói: “Đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, song cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh gây lãng phí, thất thoát tiền thuế của dân”.

Chuyên đề