Xuất siêu sẽ sớm trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 1,47 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu gần 5,9 tỷ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tại thời điểm này, nhập siêu trở lại là vấn đề cần lưu ý, nhưng chưa đáng ngại. Đây chỉ là bước chạy đà cho phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm.
Nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là mặt hàng điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may, thủy sản... Ảnh: Lê Tiên
Nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là mặt hàng điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may, thủy sản... Ảnh: Lê Tiên

Trên 90% hàng hóa nhập khẩu là tư liệu sản xuất

6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. Nửa đầu năm 2021, cán cân thương mại thâm hụt 1,47 tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề nhập siêu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang theo dõi sát để có điều hành phù hợp. “Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhập siêu chưa phải là yếu tố quan ngại, thậm chí là tín hiệu đáng mừng”, Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định.

Số liệu nhập khẩu được các cơ quan chức năng công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, các khu vực sản xuất, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có sự phục hồi tương đối mạnh, dẫn tới thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa.

Bộ Công Thương cho biết, trên 90% hàng hóa nhập khẩu trong nửa đầu năm nay là các nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất và xuất khẩu: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 22,9%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 37,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,7%...

Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, có một số yếu tố chính dẫn đến mức nhập siêu này. Trước hết là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm sụt giảm sản xuất nhóm hàng điện tử - nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ đang thúc đẩy nhập nguyên liệu về để phục vụ sản xuất cũng khiến kim ngạch nhập khẩu gia tăng. Ngoài ra, giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu đã có những biến động rất mạnh như thép, xơ sợi, phân bón… đẩy giá trị nhập khẩu tăng lên, mặc dù khối lượng nhập khẩu có thể giữ nguyên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt. Do vậy, việc nhập siêu trong thời gian này chỉ là yếu tố tạm thời và xuất siêu sẽ sớm trở lại.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, suốt thời gian qua, Việt Nam liên tục xuất siêu, việc nhập siêu trong một vài tháng chỉ mang tính chất tạm thời và cần được theo dõi thêm.

Xuất khẩu dự báo đạt đỉnh vào nửa cuối năm

Về tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương dự báo, theo chu kỳ, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Theo đó, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là mặt hàng điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may, thủy sản…

Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra cơ hội thị trường lớn cho Việt Nam đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, yếu tố giá hàng hóa đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Đặc biệt, đến thời điểm này, các “cứ điểm” sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam như: Bắc Ninh, Bắc Giang… đã khống chế được dịch Covid-19, hoạt động trở lại bình thường.

Bộ Công Thương đang triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó tập trung tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. “Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới”, Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 vui mừng cho biết, tại thời điểm này, đơn hàng của doanh nghiệp đang rất tích cực, trái ngược hẳn với cùng kỳ năm trước. “Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, doanh nghiệp được sản xuất là rất đáng mừng”, ông Việt chia sẻ và mong muốn, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như May 10 có thể được ưu tiên tiêm vaccine để bảo đảm sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp, trong đó có dệt may có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí một số doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết năm nay. Đây là những tín hiệu tích cực để đảo chiều cán cân thương mại trong 6 tháng cuối năm, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng những năm tới.

Tuy vậy, các dự báo cũng chỉ ra, hoạt động xuất nhập khẩu trong nửa cuối năm còn nhiều thách thức khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Chuyên đề