Xuất khẩu nhân lực ngành xây dựng để giảm áp lực cạnh tranh trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ năm 2017, ngành xây dựng Việt Nam đã có những dấu hiệu khó khăn do việc siết chặt pháp lý các dự án đầu tư bất động sản.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Khi Covid-19 xuất hiện, kinh tế suy thoái, doanh nghiệp khó khăn, phương án tài chính của nhiều chủ đầu tư bị “vỡ”, dự án đình trệ, ngừng hoạt động thì những khó khăn đó trở nên rõ nét, kéo theo thị trường xây dựng chung bị ảnh hưởng và dần thu hẹp lại. Hậu quả là các nhà thầu thiếu việc làm, buộc phải cạnh tranh khốc liệt, thậm chí tham dự thầu dưới giá vốn để trúng thầu.

Trong khi quy mô thị trường xây dựng bị thu hẹp, thì nguồn nhân lực trong ngành xây dựng từ 2019 đến nay lại tăng rất nhanh. Nếu trên thế giới chỉ có 3 nghìn lao động ngành xây dựng/triệu dân thì Việt Nam có 9 nghìn/triệu dân. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng tăng nhanh trong khi nhu cầu về xây dựng không tăng dẫn đến cạnh tranh trên thị trường xây dựng ngày càng khốc liệt hơn.

Vấn đề này không thể giải quyết bằng quyết định hành chính, luật, nghị định hay thông tư mà chính các nhà thầu phải tự tìm cách khai thác lợi thế để phát triển và đưa thương hiệu xây dựng của Việt Nam phát triển. Lợi thế đó là tay nghề doanh nghiệp xây dựng Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á; chuỗi cung ứng trong ngành xây dựng cạnh tranh với vật liệu xây dựng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (xi măng, thiết bị nội thất đồ gỗ, thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát…). Không những vậy, các công ty cơ khí trong ngành xây dựng đã xuất khẩu kết cấu quy mô, phức tạp ra thị trường quốc tế, kể cả dây chuyền sản xuất tại các dự án công nghiệp, nhà thầu nội cũng có thể thay thế được các nhà thầu nước ngoài…

Vì vậy, để giải quyết tình trạng cung vượt cầu, nhà thầu Việt Nam cần tìm kiếm, mở rộng thị trường nước ngoài, giảm bớt áp lực cạnh tranh trong nước.

Chuyên đề